Đứng cạnh Mourinho, Wenger chỉ là gã hà tiện lỗi thời

Arsene Wenger lại tiếp tục trở thành đề tại giễu cợt của cộng đồng mạng sau màn mặc cả chi ly tới từng đồng với Valencia vụ Skhodran Mustafi.

Đứng cạnh Mourinho, Wenger chỉ là gã hà tiện lỗi thời

Biết đến bao giờ Wenger mới hiểu: Giá trị của một ngôi sao không phải là việc họ đáng giá bao nhiêu triệu bảng.

1. Bất chấp nhu cầu mua một trung vệ của Arsenal đang bức thiết hơn bao giờ hết, Arsene Wenger vẫn ngồi cân đong đo đếm từng đồng giá trị của trung vệ Skhodran Mustafi.

Phía Valencia rất sẵn lòng bán Mustafi cho Arsenal nếu Pháo thủ chồng đủ 30 triệu bảng. Nhưng Wenger chỉ đồng ý trả 20. Valencia không nhượng bộ, Wenger không nâng giá và thế là thương vụ rất đáng được chờ đợi này đổ bể.

Mustafi chẳng mất gì. Anh vẫn sẽ chơi bóng ở Valencia. Còn Arsenal thì mất đi cơ hội mua một trung vệ giỏi vì thói hà tiện và tư duy cực kỳ lỗi thời của Arsene Wenger.

Hẳn các CĐV vẫn chưa quên vụ Arsenal hỏi mua Luis Suarez năm 2013. Đó đích thực là một vở hài kịch do Wenger làm đạo diễn.

Bất chấp việc đang thiếu một trung vệ đẳng cấp, Wenger vẫn giữ thói hà tiện trong thương vụ Mustafi.

Giáo sư người Pháp sau khi đặt Suarez vào hàng loạt thước đo giá trị quả quyết rằng: Arsenal sẽ trả Liverpool số tiền 40 triệu bảng. Phía The Kop lắc đầu tuyên bố: Chúng tôi không bán Suarez với mức giá dưới 40 triệu.

Chúng ta còn nhớ Wenger đã làm gì hay không? Ông cộng thêm… 1 bảng vào số tiền hỏi mua ban đầu. Chung quy lại: Arsenal sẽ mua Suarez với mức giá 40 triệu lẻ 1 bảng (40.000.001).

Liverpool phì cười trước trò đùa vô duyên của Wenger. Dĩ nhiên, Suarez ở lại Anfield. Một năm sau, Suarez được bán sang Barcelona với giá 75 triệu bảng, gần gấp đôi số tiền Wenger đòi mua anh.

Câu chuyện đã cũ, nhưng bài học trong đó thì luôn mới với Wenger: Ông không bao giờ đánh giá đúng giá trị của một cầu thủ, nhưng lại luôn đòi hỏi phải minh bạch mức giá dành cho một ngôi sao.

2. Man United và Chelsea mua người như thế nào? Họ xem đội hình hiện tại đang thiếu vị trí nào, họ tìm ngôi sao chơi ở vị trí đó và trả tiền cho CLB chủ quản để hoàn tất.

Quỷ đỏ vừa mua Paul Pogba theo cách đó. Bất kể là Pogba giá 50 triệu, 100 triệu hay 200 triệu bảng, nếu Man United thật sự thiếu một cầu thủ như Pogba, họ sẽ mua.

Vậy Wenger mua người thế nào? Quy trình đầu tiên cũng giống như Man United và Chelsea: Wenger rà soát đội hình để xem mình đang thiếu vị trí nào.

Ông bắt đầu tìm ngôi sao lấp vào vị trí Arsenal đang thiếu. Sau khi tìm được, ông sẽ đặt ngôi sao đó vào hàng loạt những thước đo. Ông sẽ bắt bản thân và đối tác chứng minh rằng, ngôi sao đó xứng đáng với ngần ấy tiền.

Ví dụ Wenger mua Pogba, chắc chắn ông sẽ hỏi Juventus: Tại sao các anh nghĩ Pogba trị giá 80 triệu bảng? Cơ sở nào, thống kê nào để chứng minh Pogba giá trị ngần ấy tiền?

Mourinho cần Pogba, thế là đủ với Man United.

Rồi Wenger mang thước đo của mình áp đặt suy nghĩ của đối tác: Tôi nghĩ cầu thủ này chỉ đáng giá xyz triệu bảng, các anh có đồng ý bán không? Sau khi đối tác từ chối, Wenger sẽ tăng dần số tiền hỏi mua nhưng không bao giờ chạm đúng nguyện vọng.

Và thế là một vụ chuyển nhượng đổ bể. Đã hàng trăm vụ chuyển nhượng của Arsenal đổ bể theo cách đó.

Nếu Arsenal mua Pogba, có lẽ ông chỉ nghĩ rằng cầu thủ này trị giá 40 triệu bảng là cùng - tương tự vụ Suarez.

Năm 2013, Gonzalo Higuain đã đứng trước ngưỡng cửa Emirates. Người hâm mộ Việt Nam khi đó còn háo hức kỳ vọng Wenger sẽ mang Higuain tới Mỹ Đình (năm đó Arsenal đá giao hữu với đội tuyển Việt Nam).

Nhưng cũng chỉ vì thói quen áp đặt giá trị cho đối tác, Wenger mất Higuain vào tay một CLB nhỏ bé hơn họ rất nhiều: Napoli. Và mới đây, Higuain được bán cho Juventus với giá 94 triệu euro, con số chắc chắn vượt rất xa so với tưởng tượng của Wenger.

3. Trong sự thịnh vượng chung của Premier League, Wenger giống như một tỷ phú tự đóng cửa đi ăn mày. Ông chưa bao giờ đạt tới đẳng cấp của một HLV biết đánh giá chính xác giá trị của cầu thủ, và đó là lý do Arsenal chưa từng mua được một ngôi sao lớn cỡ Pogba hay thậm chí là Di Maria.

Lối tư duy và làm ăn của Wenger đã lỗi thời rất nghiêm trọng so với đà phát triển của Premier League. Một cầu thủ bóng đá giờ đây phải gánh trên vai khá nhiều loại tiền, như phí hoa hồng cho người đại diện, phí hình ảnh…

Nhưng Wenger chỉ tư duy rằng, anh ta đóng góp được bao nhiêu thì giá trị bấy nhiêu tiền. Có những đóng góp của siêu sao không chỉ diễn ra trên sân cỏ, mà cả trên thương trường.

Năm xưa, Real Madrid mua David Beckham chỉ để hút thêm fan và kinh doanh áo đấu. Man United mất gần 100 triệu bảng cho Pogba nhưng ngay năm đầu tiên đã có thể kiếm về 40 triệu bảng.

Đây chính là dòng chảy của bóng đá hiện đại. Liệu Wenger ở đâu trong dòng chảy này?

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/dung-canh-mourinho-wenger-chi-la-ga-ha-tien-loi-thoi-20160824095317706.htm