Đừng buồn, Facebook 'ảo' lắm

Các học giả đã phân tích dữ liệu và xác nhận rằng chúng ta đều biết mạng xã hội đang làm con người khổ sở.

Có lẽ chúng ta đều hiểu rằng không phải tất cả mọi người đều thành công, giàu có, thông minh hay vui vẻ như họ tỏ ra trên Facebook. Ấy vậy mà chúng ta vẫn không thể dừng so sánh cuộc đời thật của mình với phần đời được "chỉnh sửa có chọn lọc" của bạn bè trên mạng xã hội.

Thế giới thật khác thế giới trên mạng xã hội như thế nào? Ở thế giới thật, The National Enquirer (một tờ báo ra hàng tuần) bán được nhiều gấp 3 lần The Atlantic (một tờ báo ra hàng tháng). Trên Facebook, The Atlantic nổi tiếng hơn gấp 45 lần.

Thời gian người Mỹ bỏ ra để rửa bát gấp 6 lần thời gian đi chơi golf, nhưng số bài viết về việc chơi golf trên Twitter gần gấp đôi số bài về rửa bát đĩa. Khách sạn giá rẻ Circus Circus và khách sạn hạng sang Bellagio đều có lượng khách như nhau. Nhưng Bellagio có số lượt check in nhiều gấp 3 lần trên Facebook.

Những gì người khác đăng trên Facebook thường được "chỉnh sửa có chọn lọc"

Công cuộc kiếm tìm “đẳng cấp” trên mạng cũng khá đặc biệt. Facebook hợp tác với một công ty để thu thập dữ liệu về loại xe ô tô mà mọi người thực sự dùng và loại xe mà người ta đăng bài hoặc thích (like) trên Facebook. Người sở hữu những chiếc xe đắt tiền như BMW hay Mercedes thích khoe về loại xe mình dùng gấp 2,5 lần những người đi xe thường. Ở Mỹ mong muốn khoe khoang hay thậm chí là phóng đại sự giàu có của bản thân có ở tất cả các nhóm người, dù là người da trắng, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Phi hay người Mỹ La Tinh.

Tuy nhiên những người (hay nhóm người) khác nhau cũng có định nghĩa khác nhau về thế nào là “chất”, thế nào là “quê”. Lấy ví dụ về âm nhạc, theo dữ liệu 2014 của trang nghe nhạc trực tuyến Spotify, phụ nữ và đàn ông có chung sở thích về âm nhạc vì 29/40 ca sỹ được nghe nhiều nhất của cả 2 giới là giống nhau. Mặc dù vậy, trên Facebook nam giới thường không để lộ là mình thích ca sỹ có phong cách nhạc “nữ tính”. Ví dụ nữ ca sỹ Katy Perry là một trong một trong 10 ca sĩ được nam giới nghe nhiều nhất trên Spotify, hơn cả những nam ca sỹ nổi tiếng như Kanye West hay Kendrick Lamar. Tuy nhiên trên Facebook, 2 nam ca sỹ này vẫn có số của người hâm mộ nam nhiều hơn cô nàng Katy Perry.

Trong thời đại “sống ảo”, người ta khoe nhau cả về bệnh tật, nhưng tất nhiên cũng phải “chọn bệnh mà khoe”. Bệnh đường ruột và đau nửa đầu đều khá phổ biến, mỗi loại có khoảng 10 % dân số Mỹ mắc phải nhưng ở trên Facebook số người “khoe” bệnh đau nửa đầu nhiều gấp 2,5 lần.

Việc khoe khoang này không phải là mới, nhưng trong kỷ nguyên mạng xã hội cách thức cũng trở nên thiên biến vạn hóa hơn nhiều. Người ta luôn cố dặn nhau “Đừng so sánh vẻ đẹp bên trong của bạn với những thứ bề ngoài của người khác”. Nhưng lời khuyên này rất khó để làm theo vì chúng ta chẳng thể nào nhìn thấy được “bên trong” của một người, nhất là khi chỉ là bạn trên mạng xã hội.

Thời đại mạng xã hội, con người tìm được nhiều cách để khoe hơn

Tuy nhiên không phải là không có cách để thử. Nhà kinh tế Seth Stephens Davidowitz đã dành 5 năm nghiên cứu thông tin tìm kiếm trên Google. Chỉ một mình với cái màn hình, người ta thường hỏi và tiết lộ với Google những gì không nói trên mạng xã hội (hay thậm chí là với bất cứ ai). Nói cách khác Google chính là “tinh chất” sự thật thời kỹ thuật số. Những từ khóa chúng ta viết trên thanh công cụ tìm kiếm chân thực hơn nhiều những bức tranh vẽ nên trên Facebook hay Instagram.

Ví dụ ở trên mạng xã hội, những tính từ hay được điền nhất vào câu “chồng tôi...” bao gồm" "tuyệt nhất", "là bạn thân nhất của tôi", "tuyệt vời", "vĩ đại" và "thật đáng yêu". Còn trên Google, ngoại trừ "tuyệt vời" 4 từ hay được điền vào nhất trong câu này là "đồ đểu", "đáng ghét", "đồng tính" và "xấu tính".

Vậy nên mỗi khi cảm thấy chán đời sau khi lượn Facebook của người khác, hãy lên Google và bắt đầu gõ vào thanh tìm kiếm. Chức năng tự động điền từ (autocomplete) sẽ cho thấy người khác hay tìm kiếm gì và bạn sẽ nhận ra những người khác cũng chán đời như mình thôi. Ví dụ nếu bạn gõ “tôi luôn” bạn sẽ thấy những gợi ý như "tôi luôn mệt mỏi”, “tôi luôn bị tiêu chảy”. Còn nếu lên Facebook cụm từ "tôi luôn" có vẻ sẽ kết thúc bằng “đi nghỉ ở Caribbean”.

Google tiết lộ đời người khác cũng nhiều vấn đề như bạn thôi

Có lẽ lời khuyên hữu ích cho kỷ nguyên số nên là: Facebook "ảo" lắm, muốn thật hãy hỏi Google.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dung-buon-facebook-ao-lam-20170805112929528p6c99.news