Đùn đẩy né tránh trong bồi thường oan, sai (?)

Tại diễn đàn Quốc hội ngày 28/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan Nhà nước. Cơ quan có trách nhiệm còn chậm giải quyết bồi thường, đặc biệt cơ chế xác định và chứng minh thiệt hại chưa phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Bà Lê Thị Nga dẫn chứng vụ ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan 17 năm. Lúc đầu, ông Nén đòi bồi thường 18 tỷ. Qua bốn lần thương lượng, số tiền tòa án chấp nhận bồi thường xuống còn 2,6 tỷ đồng nhưng cho đến nay thương lượng không thành vì ông Nén không chấp nhận.

Việc giải quyết của tòa án rơi vào tình trạng khó khăn do các quy định của pháp luật chưa phù hợp dẫn đến cách tính bồi thường “nếu hợp pháp thì không hợp lý, nếu hợp lý thì không hợp pháp”. Theo bà Nga, đây là vụ oan rất nghiêm trọng, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chánh án TAND Tối cao phối hợp với Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận vận dụng pháp luật một cách hợp lý để giải quyết dứt điểm, sớm bảo đảm quyền lợi cho ông Nén.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên về đề nghị xem xét lại việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, không nên so sánh giữa vụ nọ với vụ kia. “Cái cần làm là so sánh xem có tuân thủ đúng luật không. Tòa chỉ có tuân thủ pháp luật và dựa vào pháp luật”, ông Bình nói.

Tại phiên thảo luận trước đó, Chánh án TAND Tối cao cũng cho biết, theo sát các vụ án oan của các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm thì “bồi thường kiểu gì cũng bị lên án”. Nếu bồi thường đúng quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận chi tiêu. Kê đúng vậy thì không được bao nhiêu, còn nếu đền bù quá nhiều cũng sẽ bị lên án.

Luân Dũng - Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phap-luat/dun-day-ne-tranh-trong-boi-thuong-oan-sai-1067465.tpo