“Đục vỉa hè, ngăn đê” chống ngập cho TP.HCM?

Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam (VCA) vừa trình UBND TP.HCM 2 giải pháp chống ngập mới cho TP.HCM là “Bờ bao xanh điều tiết triều cường - bảo vệ hệ sinh thái bản địa” và “Chống ngập khu dân cư”.

Mới đây, UBND TP.HCM giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ VCA hoàn chỉnh các giải pháp này.

Hiện tượng triều cường trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng cao do nước biển dâng và quá trình đô thị hóa nhanh đã làm mất đi một phần lớn diện tích ở các khu vực đầm lầy chứa nước. Vì vậy, giải pháp “bờ bao xanh ngăn triều cường” là tạo rỗng bờ kè làm giảm đi tải trọng lên bờ kè hiện hữu và kết hợp hấp thu nước khi triều lên.

Nguyên lý hoạt động và cấu trúc của giải pháp này là tận dụng hết hành lang bảo vệ sông rạch để làm mặt đê, trên mặt đê tạo rỗng thân đê bằng cách đào các hồ điều hòa đan xen nhau. Hệ thống hồ điều hòa đan xen nhau trên mặt đê tạo nên hệ vách tổ ong làm cho thân đê bền vững. Hình dáng và kích thước các hồ điều hòa phụ thuộc vào hiện trạng thảm thực vật bản địa.

Về việc xây dựng công viên, bờ đê kép là giải pháp xanh có cấu trúc nhẹ, có được chuỗi công viên bờ sông với thảm thực vật bản địa bền vững, bảo tồn hệ sinh thái hiện hữu, góp phần cải thiện môi trường.

Cũng theo VCA, vỉa hè tại các khu vực trũng thấp ở TP.HCM thường xuyên xuống cấp nhanh do ngập nước, hệ thống cống nhỏ, số lượng hố ga phân bố còn thưa và thường tắc dòng chảy do rác… Do đó, cần thực hiện giải pháp tạo rỗng toàn bộ vỉa hè, đường hẻm bằng việc lắp ghép các cấu kiện cubic rỗng có kích thước mỗi cạnh 0,5 x 0,5 cm theo nguyên lý bấc thấm.

Với nguyên lý này, cấu trúc cơ bản của cấu kiện cubic được làm bằng bê tông sợi tuyến tính, giống như “gạch tự chèn” đã được ứng dụng cho việc lát vỉa hè. Tuy nhiên, sự khác biệt là cấu trúc này có kích thước biên lớn hơn và tạo rỗng để giảm thiểu tải trọng tác động lên nền đường. Khi áp dụng công nghệ này, hàng ngàn “hộp rỗng” sẽ phân chia lòng đường thành hàng trăm phân đoạn và hấp thu nước trực tiếp trong từng phân đoạn một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, các giải pháp mà VCA mới đưa ra còn trên lý thuyết, chưa có số liệu tính toán cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá… Cùng đó, chưa thể đánh giá được hiệu quả của các giải pháp này mà cần phải nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Đông Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/duc-via-he-ngan-de-chong-ngap-cho-tphcm-d49970.html