Đức lo ngại về vấn nạn tin tức giả mạo trước thềm bầu cử quốc gia

Tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo về vấn nạn tin tức giả mạo cũng như các hệ thống phát tán tin tự động có thể sẽ tác động tiêu cực tới cuộc bầu cử quốc gia của nước này trong năm tới.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh bà A.Merkel vừa công bố việc sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Phát biểu trước Quốc hội Đức, đương kim Thủ tướng cho biết tin tức giả mạo và các hệ thống phát tán tự động đã “điều khiển” dư luận, đồng thời khuyến cáo các nhà làm luật cần phản đối đấu với hiện tượng này và thực hiện kiểm soát triệt để nếu cần thiết.

“Nhiều thứ đã thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Những cuộc đối đầu chính trị xảy ra trong môi trường truyền thông hoàn toàn mới mẻ. Dư luận giờ đây không hình thành theo cách của 25 năm trước. Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với các trang web giả mạo, hệ thống phát tán tin tự động, thông tin lừa đảo - những thứ có thể tự nhân bản và tác động dư luận theo cách thức riêng của chúng. Vì thế, chúng ta phải học cách đối phó” - bà A.Merkel nói.

Thực tế, chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã châm ngòi cho hàng loạt tranh luận liên quan tới vai trò của tin tức giả mạo trong các chiến dịch tranh cử trước đó. Một số nhà phân tích cho rằng Facebook và Twitter cần phải mạnh tay hơn để xử lý vấn nạn tin tức sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội của họ. Hồi đầu tháng này, Facebook và Google cũng đã thông báo kế hoạch loại bỏ các trang tin tức giả mạo ra khỏi hệ thống quảng cáo của mình nhằm cắt đứt nguồn doanh thu nuôi sống chúng. Thậm chí, CEO Mark Zuckerberg của Facebook cũng cho biết sẽ có những động thái triệt để nhằm hạn chế những hành vi phát tán tin tức sai lệch trên các kênh trực tuyến.

Hiện tại, đảng CDU (Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức) của bà A. Merkel đang có xu hướng chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử quốc gia Đức năm 2017 - dù đảng cánh hữu AfD (Sự lựa chọn vì nước Đức) đang tăng tốc dần nhờ vào những chỉ trích về các chính sách đối phó với dòng người nhập cư của đương kim Thủ tướng. Mặt khác, AfD cũng đang chiếm ưu thế trên mặt trận truyền thông trực tuyến khi trang Facebook của đảng này có tới hơn 300.000 lượt thích - vượt xa tổng số 240.000 lượt thích của hai đảng CDU và SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) cộng lại.

Trước đây, một số quan chức của chính phủ Đức cũng từng chỉ trích Facebook vì việc tạo cơ hội cho các nội dung chống đối cảnh sát lan truyền. Tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cũng bình luận rằng các mạng xã hội cần phải được quản lý như một công ty truyền thông, đồng nghĩa rằng đơn vị chủ quản sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi nội dung xuất hiện trên nền tảng trực tuyến của họ.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/856348/duc-lo-ngai-ve-van-nan-tin-tuc-gia-mao-truoc-them-bau-cu-quoc-gia