Đức chia sẻ kinh nghiệm xử lý đất ô nhiễm tồn lưu kim loại nặng

Ô nhiễm môi trường nước, lưu vực sông, không khí, đất, tồn lưu kim loại nặng trong đất đặt ra nhiều công việc mà các đơn vị chức năng của Việt Nam phải xử lý.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 10/11, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (Đức) tổ chức hội thảo "Xử lý đất ô nhiễm tồn lưu kim loại nặng tại Việt Nam-kinh nghiệm từ phía Đức."

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về góc nhìn quản lý của Chính phủ trong xử lý ô nhiễm kim loại nặng tồn lưu trong đất, công nghệ tiềm năng trong việc thiết kế bản đồ số hóa về đất nhằm bảo vệ môi trường đất, xác định tại chỗ kim loại bằng thiết bị phân tích huỳnh quang tia Rơnghen…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang là vấn đề nóng, nhất là gần đây xảy ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung và một số sự cố, điểm nóng môi trường. Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về xử lý, cải tạo môi trường, kể cả trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014.

Ô nhiễm môi trường nước, lưu vực sông, không khí, đất, tồn lưu kim loại nặng trong đất đặt ra nhiều công việc Việt Nam phải xử lý.

Trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Viện Độc lập về các lĩnh vực Môi trường (Đức) triển khai dự án trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm và cải tạo đất, phát huy lợi ích của trồng cây năng lượng.

Quá trình cải tạo, phục hồi đất ô nhiễm kim loại nặng đòi hỏi công nghệ phức tạp và vốn đầu tư cao. Để xử lý, các biện pháp truyền thống thường được lựa chọn sử dụng như cơ, lý, hóa học và sinh học với việc sử dụng thực vật có khả năng hấp thụ hoặc tồn tại trong đất, trên những vùng đất bị ô nhiễm.

Theo ông Adler, Thứ trưởng Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (Đức), hơn 10 năm qua, hai bên đã có nhiều cuộc gặp, hoạt động, hội thảo liên quan đến bảo vệ, xử lý đất ô nhiễm đất.

Tháng 7/2015, hai bên đã nâng tầm hợp tác, thể hiện hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia thông qua dự án trồng cây năng lượng để bảo vệ khí hậu. Dự án thử nghiệm tính khả thi trong việc sử dụng các diện tích mỏ đã đóng cửa để trồng cây năng lượng thông qua sáng kiến môi trường quốc tế, góp phần xử lý đất có ô nhiễm tồn lưu kim loại để tái sử dụng.

Tiến sỹ Harald Mark, Giám đốc Công ty MSP Bochum (Đức) cho rằng Việt Nam hiện có 5.000 km2 khu vực khai thác mỏ, trong đó có các khu chứa đất đá đã được khai thác quặng, vũng bùn. Cách tiếp cận trong quản lý sự ô nhiễm tồn lưu gồm điều tra, khảo sát về các điểm nguy cơ ô nhiễm, tồn lưu; đánh giá về sự nguy hại bằng việc lấy mẫu và phân tích; cải tạo và đảm bảo an toàn.

Nhân dịp này, Viện Độc lập về các lĩnh vực Môi trường (Đức) đã bàn giao hai thiết bị quang phổ có công nghệ hàng đầu trên thế giới hiện nay cho Tổng cục Môi trường, giúp Việt Nam phân tích nhanh mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong đất, cùng với chương trình tư vấn, tập huấn cho cán bộ các tỉnh sử dụng thiết bị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/duc-chia-se-kinh-nghiem-xu-ly-dat-o-nhiem-ton-luu-kim-loai-nang/415361.vnp