Đưa vốn về trợ giúp bà con vùng lũ phục hồi sản xuất và đời sống

(Chinhphu.vn) – Ngân hàng Chính sách xã hội cam kết hỗ trợ tối đa về vốn, vận dụng thủ tục vay vốn ưu đãi cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Hôm nay 15/10, tại Cổng TTĐT Chính phủ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Văn Lý đã giải đáp một số vấn đề người dân quan tâm liên quan đến các biện pháp tín dụng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn ở các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua và một số điểm mới của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên năm học 2010-2011. Hỗ trợ tối đa bà con vùng lũ Đợt lũ lụt vừa xảy ra đã gây ra thiệt hại nặng nề cho 5 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đang khẩn trương xây dựng phương án bổ sung vốn tạo điều kiện cho cho đồng bào vùng lũ khôi phục sản xuất và đời sống. Ngân hàng sẽ cùng với chính quyền địa phương nắm bắt, xác định chính xác thiệt hại của từng hộ gia đình để có hỗ trợ kịp thời. “Với vai trò của mình, Ngân hàng Chính sách xã hội cam đoan không để bà con thiếu vốn phục hồi sản xuất”, ông Lý nói. Cụ thể, những hộ bị thiệt hại dưới 40% sẽ được đầu tư thêm vốn, gia hạn nợ. Với hộ thiệt hại từ 40-80% sẽ khoanh nợ tối đa 3 năm và những hộ thiệt hại trên 80% sẽ khoanh nợ tối đa 5 năm. “Điều này có nghĩa là trong 3-5 năm, người dân không hoặc chưa phải trả nợ gốc. Sau thời gian khoanh nợ, nếu hộ gia đình tiếp tục khó khăn ngân hàng có thể khoanh nợ thêm 1 kỳ 5 năm nữa. Ngân hàng sẽ xóa nợ nếu sau 10 năm hộ đó vẫn khó khăn không thể trả nợ”, ông Lý giải thích thêm. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ bổ sung thêm vốn hỗ trợ những hộ nghèo, đối tượng chính sách bị thiệt hại do lũ nhằm phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ vận dụng, đơn giản hóa tối đa thủ tục để đáp ứng nhu cầu vay vốn, mua vật tư đang rất cấp bách. Tuy nhiên, việc vay vốn tín dụng cũng có những nguyên tắc, thủ tục bắt buộc, theo đúng quy trình để đảm bảo sự đồng nhất trong chính sách. Ngân hàng cũng đã yêu cầu các cơ quan, đoàn thể tại địa phương giúp người dân làm thủ tục vay vốn, đồng thời vốn được chuyển thẳng về xã để đảm bảo những đối tượng bị thiệt hại sẽ nhận được đồng vốn nhanh nhất. Vốn vay ưu đãi phải đến đúng người, đúng cảnh Về hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, ông Lý cho biết, đến nay, chương trình đã đi được chặng đường 3 năm và thu được kết quả tích cực. Đến thời điểm này có 1,9 triệu sinh viên được hỗ trợ với tổng số tiền là 24.000 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ này được giải ngân từ đầu năm học để các em trang trải học phí. Trong năm học 2010-2011, Ngân hàng đã bổ sung thêm một số đối tượng vào danh sách được vay vốn ưu đãi là bộ đội phục viên có nhu cầu tiếp tục đi học, lao động nông thôn học nghề, những người thuộc gia đình khó khăn do thiên tai, ốm đau, hỏa hoạn, dịch bệnh… Liên Bộ Tài Chính-Giáo dục và Đào tạo cũng đang đề xuất và trình Chính phủ tăng mức cho vay năm nay từ 860.000 đồng/tháng (năm 2009) lên mức trên 900.000 đồng/tháng. “Chúng tôi cũng xin nói rõ, đây là mức hỗ trợ chứ không phải mức đáp ứng. Vì chúng tôi biết mức 900.000 đồng/tháng chưa đủ đối với nhu cầu thực tế của các em. Đây cũng là sự nỗ lực, ưu ái của Chính phủ để đảm bảo chương trình tồn tại bền vững”, ông Lý nói. “Khi đưa ra con số 900 ngàn đồng/tháng chúng tôi đã tính tới các yếu tố trượt giá và biến động của giá cả thị trường qua từng thời điểm”. Phó Tổng giám đốc của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giải thích cơ sở đưa ra những điều chỉnh mới nhất trong Chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh-sinh viên đang được xã hội quan tâm. Điều chỉnh mới nhất đồng thời cũng thu hút được sự quan tâm nhất của người dân đó là thời hạn cho vay đối với trường hợp có khó khăn đột xuất. Trước đây, ngân hàng chủ trương nếu có trường hợp gặp khó khăn đột xuất thì cho vay trọn gói 4-5 năm học. “Hiện nay, chúng tôi điều chỉnh lại theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là cứ có khó khăn đột xuất thì cho vay tối đa 12 tháng. Lý do là thực tế đã xảy ra tình trạng có những gia đình gặp khó khăn về kinh tế nhưng chỉ sau 3 tháng họ đã khắc phục được. Những khoản cho gia đình đó vay thì đã ấn định trong 4-5 năm nên chúng tôi không thể thu hồi về được”, ông Lý cho biết. “Ngân sách dành cho hỗ trợ sinh viên cũng có hạn, chúng ta cần sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước, hợp lý, đúng người, đúng cảnh một cách hiệu quả nhất để phát huy được mục đích tốt đẹp của chủ trương. Như vậy sự điều chỉnh lại để khoản vay đến được với đúng đối tượng xứng đáng được thụ hưởng là cần thiết”. Tuy nhiên, trong trường hợp hộ gia đình đó sau 12 tháng vẫn tiếp tục khó khăn thì Ngân hàng Chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ 12 tháng tiếp. Mục đích cao nhất là không để các em vì thiếu tiền mà phải nghỉ học giữa chừng. Về việc chậm trễ giải ngân vốn cho năm học 2010-2011, ông Lý cho biết, đến thời điểm đầu năm học 2010-2011, các hệ thống của Ngân hàng Chính sách như các điểm, tổ giải ngân lưu động đã sẵn sàng. Do khó khăn về việc cân đối ngân sách nên vốn giải ngân bị chậm, chưa đúng tiến độ đặt ra. “Chính phủ đã cho phép Ngân hàng phát hành 13,8 ngàn tỷ đồng trái phiếu để thu xếp tài chính cho vay các chương trình, trong đó có chương trình cho sinh viên vay. Chúng tôi đang gấp rút tiến hành các thủ tục để đưa nguồn vốn ưu đãi này đến với sinh viên trong thời gian sớm nhất”, ông Lý nói. Dự kiến từ 10-15 ngày tới có thể tiến hành giải ngân tại các địa phương. Nguyệt Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/dua-von-ve-tro-giup-ba-con-vung-lu-phuc-hoi-san-xuat-va-doi-song/201010/40658.vgp