Đưa vào sử dụng Trung tâm phân tích Thí nghiệm Dầu khí Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vừa khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí Việt Nam tại Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh.

Lễ cắt băng khánh thành Tòa nhà Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng VPI tại TP.HCM. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Lễ cắt băng khánh thành Tòa nhà Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng VPI tại TP.HCM. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí Việt Nam được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được xây dựng trên diện tích 40.000 m2 (4ha), gồm các hạng mục: Tòa nhà Văn phòng, Trung tâm Phân tích Thí nghiệm, Khu gia công mẫu, Kho tàng trữ mẫu, Xưởng sản xuất thực nghiệm, Khu kỹ thuật phụ trợ.
Trong đó, Trung tâm Phân tích Thí nghiệm được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại và phần mềm chuyên dụng sẽ phân tích toàn diện mẫu lõi, mẫu lưu thể (dầu, khí, nước), nâng cao chất lượng phân tích mẫu cổ sinh, địa tầng, thạch học, trầm tích, địa hóa, PVT…
Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Phân tích Thí nghiệm sẽ tăng tỷ lệ phân tích mẫu trong nước lên đến trên 90%, tiết kiệm chi phí gửi và phân tích mẫu ở nước ngoài, tiết kiệm thời gian cho nhà thầu, bảo mật thông tin dầu khí của quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, công trình này sẽ giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/Viện Dầu khí Việt Nam làm chủ kỹ thuật phân tích tiên tiến nhất, các thiết bị thí nghiệm hiện đại nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng đổi mới và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, gắn kết nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Viện Dầu khí Việt Nam sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng để đưa vào sản xuất và cung cấp các sản phẩm nghiên cứu đã được Nhà nước và các công ty dầu khí công nhận như: anode hy sinh nhôm, hóa chất phục vụ khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí và các sản phẩm mới.

Đại diện các công ty, nhà thầu dầu khí tham quan phòng thí nghiệm. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Trung tâm phân tích đi vào hoạt động sẽ giúp Viện Dầu khí Việt Nam có đầy đủ cơ sở tích hợp từ thu thập, lưu trữ, phân tích, tổng hợp kết quả phân tích các loại mẫu dầu khí để chủ dộng nghiện cứu, điều tra cơ bản, cung cấp các kết quả nghiên cứu cho các cơ quan quản lý Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí sử dụng làm luận cứ khoa học, hoạch định chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành Dầu khí; tăng cường các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để giúp Tập đoàn và các công ty/nhà thầu dầu khí giải quyết các vấn đề trong sản xuất kinh doanh hàng ngày và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Tập đoàn.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tập đoàn đã tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ. Việc đưa Trung tâm phân tích thí nghiệm cùng các hệ thống thiết bị chuyên dụng hiện đại đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và tiềm lực khoa học công nghệ của Viện Dầu khí Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực: phân tích thí nghiệm mẫu đất, đá, chất lưu mô phỏng; tối ưu hóa các quá trình công nghệ; nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm hóa chất và sản phẩm dầu khí; đánh giá an toàn môi trường; giám định, kiểm định kỹ thuật; xử lý chất thải;...
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm cũng đề nghị Viện Dầu khí Việt Nam đưa công trình Trung tâm phân tích thí nghiệm vào khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cung cấp nhiều hơn nữa các giải pháp khoa học công nghệ và quản lý hữu ích cho Tập đoàn, các công ty, nhà thầu dầu khí trong thời gian tới; tập trung thực hiện các mục tiêu: gia tăng trữ lượng dầu khí, tối ưu hóa khai thác, nâng cao hệ số thu hồi dầu...

Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và hỗ trợ về mọi mặt để Viện Dầu khí thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Trong 11 tháng năm 2016, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã triển khai thực hiện 307 hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ; đọc phản biện, nhận xét 18 báo cáo (RAR, ODP, FDP...); thực hiện phân tích mẫu theo hợp đồng khung.

Trong 11 tháng qua, Viện đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận 8 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, nổi bật như: Quy trình thử nghiệm quá trình ngưng tụ khí condensate vùng cận đáy giếng; Quy trình mô phỏng quá trình ngưng tụ pha lỏng trong lòng giếng; Quy trình sản xuất xăng có trị số octane cao từ nguồn condensate…

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dua-vao-su-dung-trung-tam-phan-tich-thi-nghiem-dau-khi-viet-nam/29451.html