Dựa vào rừng để đi lên

Tuy doanh thu hàng năm chưa phải là lớn nhưng cái cách mà HTX Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đang làm khiến xã viên yên tâm hơn trong cuộc sống.

Ổn định từ rừng

Ông Nguyễn Văn Mừng, một người dân ở HTX Kinh Môn cho biết thu nhập hàng năm của mình từ nghề khai thác nhựa thông cao hơn làm lúa nhiều lần. Nhờ HTX Kinh Môn cho khai thác nhựa thông nên cuộc sống của bà con ngày càng ổn định.

Khu rừng thông đang cho hiệu quả kinh tế cao cho HTX Kinh Môn

Chúng tôi cùng ông Mừng ra rừng thông của HTX Kinh Môn. Màu xanh ngút ngàn của cây thông đang độ tuổi trưởng thành bao phủ lấy nhiều quả đồi hình bát úp. Những cây thông cho nhựa dòng tuôn trào, đầy sức sống. Dưới những gốc thông ấy nhiều thành viên đang mải miết khai thác nhựa thông.

Ông Lê Hữu Quang, Giám đốc HTX Kinh Môn cho biết 32 ha rừng thông của HTX được trồng hơn mười năm trước. Bây giờ thông đang cho khai thác nhựa, giải quyết việc làm cho nhiều xã viên. Năm cao nhất lợi nhuận thu từ việc bán nhựa thông mang về gần 300 triệu đồng, tính trung bình mỗi năm HTX có lợi nhuận 200 triệu đồng từ việc giao khoán khai thác nhựa thông.

Từ số tiền ít ỏi này nhưng nhờ khôn khéo và linh hoạt trong sử dụng đồng vốn nên HTX Kinh Môn đã giải quyết được nhiều công việc quan trọng khác. Hàng năm, số tiền thu về từ bán nhựa thông được HTX đầu tư lại làm đường giao thông, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất...

HTX Kinh Môn có 294 thành viên. Ngoài việc biết phát huy giá trị rừng thông, những năm qua nhờ việc phát triển rừng keo lai và cây cao su đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Tính trung bình mỗi thành viên của HTX có 2 ha rừng trồng hoặc cao su.

Cách đây 10 năm, được sự giúp đỡ về chuyên môn của các tổ chức, một nhóm hộ xã viên của HTX Kinh Môn đã đứng ra làm rừng FSC, họ đã trở thành nhóm hộ đầu tiên của Việt Nam làm rừng có chứng chỉ bền vững để khi thu hoạch bán có giá trị kinh tế cao.

Ông Lê Biên Hòa, một xã viên cho biết, nhờ làm rừng FSC nên diện tích rừng của ông được đánh giá rất cao. Mới đây ông thu hoạch 10 rừng keo bán được giá hơn 200 triệu đồng/ha. Hiện có 21 thành viên của HTX tham gia trồng rừng FSC với 120ha. Nếu so sánh với các loại rừng trồng theo truyền thống thì rừng FSC mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Ông Lê Hữu Quang khẳng định, nhờ trồng rừng mà bà con xã viên đã có cuộc sống no đủ hơn để tiến lên làm giàu. Thu hoạch từ trồng các loại rừng giúp bà con giải quyết được nhiều công việc trong cuộc sống. Kinh tế hộ gia đình ở HTX Kinh Môn rất vững vàng. Họ không còn lo chạy ăn hàng ngày, mà chuyên tâm phát triển kinh tế với những việc làm táo bạo, chắc chắn, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, trong đó lấy việc trồng rừng kinh tế làm nòng cốt.

HTX Kinh Môn đang tiếp tục vận động xã viên tham gia chương trình trồng rừng thâm canh cây keo lai theo mô hình bền vững để vừa nâng cao công tác bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Tính trung bình giá trị rừng FSC của các thanh viên HTX Kinh Môn thời điểm hiện tại đã đạt 24 tỷ đồng. Theo kế hoạch diện tích rừng FSC của thành viên HTX sẽ được nâng lên 200 ha vào năm 2018 thì trị giá tài sản rừng sẽ đạt 40 tỷ đồng. Một bài toán kinh tế rất sắc sảo mà không phải HTX nào cũng làm được.

Nhìn tài sản rừng của các xã viên, Giám đốc HTX Kinh Môn Lê Hữu Quang nhấn mạnh chúng tôi làm việc không vì mục đích doanh thu của HTX, mà trước hết là kết nối để giúp bà con xã viên làm giàu chính đáng từ nghề nghiệp trên mảnh đất cha ông để lại. Bà con xã viên đã giàu có thì HTX mới phát triển được.

Cầu nối đưa khoa học kỹ thuật về với dân

HTX Kinh Môn không chỉ có rừng, mà hoạt động phong phú với các lĩnh vực như các dịch vụ bảo vệ sản xuất, dịch vụ thủy nông, dịch vụ phân bón, dịch vụ xây dựng cơ bản , dịch vụ tín dụng nội bộ…

Ông Lê Hữu Quang cho biết bên cạnh thực hiện tốt các dịch vụ với thành viên, HTX còn là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về với xã viên thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, làm mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Nhờ vậy mà năng suất lúa ở đây tăng từ 40 tạ lên 50 tạ/ha/vụ, mỗi ha cao su tăng thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/năm. Các thành viên của HTX đã có kỷ năng thâm canh rừng, cây cao su, làm nông sản sạch, biết đầu tư cho từng loại cây trồng vật nuôi để thu được lợi nhuận cao.

Nhờ phát triển tốt kinh tế nên thu nhập bình quân đầu người của HTX đạt 25 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu của huyện đề ra. Toàn HTX có 20% hộ gia đình có thu nhập trên 200 trăm triệu đồng/năm, 10% hộ gia đình giàu có.

Nổi bật hai dịch vụ phân bón và trồng trọt

Hàng năm, HTX Kinh Môn đảm nhận cung cấp trên 90% nhu cầu phân bón của các thành viên và một số bà con của các đơn vị xung quanh với số lượng 100 tấn/năm. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 1,4 tỷ đồng.

Về trồng trọt, để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, HTX hợp đồng trực tiếp với các thành viên đảm nhận công tác bảo vệ sản xuất, điều tiết thủy nông và bảo vệ thực vật cho 100% diện tích canh tác của các thành viên. Để tạo điều kiện về vốn sản xuất kinh doanh cho các thành viên, hàng năm HTX cho các thành viên vay vốn theo hình thức tín dụng nội bộ lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay đến 500 triệu đồng.

Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh so sánh các HTX kiểu cũ thường hoạt động không hiệu quả do chưa tạo được công ăn việc làm và phát triển kinh tế gia đình cho xã viên. Với HTX Kinh Môn họ đã giải quyết được hai vấn đề quan trọng đó nên HTX ngày càng vững mạnh, xứng đáng mô hình để nhiều nơi học tập.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dua-vao-rung-de-di-len-post178373.html