Đua tốc độ 5 mẫu USB 3.0 dung lượng 32 GB, ai về nhất?

Dù công nghệ điện toán đám mây đã trở nên phổ biến hơn nhưng những chiếc USB nhớ ( USB drive , pendrive) vẫn là một vật dụng không thể thiếu mỗi khi chúng ta đi làm và thật sự thì mình vẫn "thủ sẵn" một mớ USB khi cần để cài Windows hay chỉ đơn giản là để xin thằng bạn cái source game, phần mềm. Trong bài này mình tìm mua và xin được 5 cái USB 32 GB đến từ các hãng ADATA, Kingston, PNY, SanDisk và Transcend và thử benchmark để tìm xem cái nào nhanh nhất. Bên cạnh đó, một số yếu tố như thiết kế, tính năng cũng được nhắc đến để anh em dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu của mình.

Hệ thống test MSI GE72VR 6RF Apache Pro với cấu hình:

CPU: Intel Core i7-6700HQ (Skylake) 4 lõi 8 luồng, tốc độ 2,6 - 3,5 GHz, 6 MB Cache;
Chipset: Intel HM170 (Skylake-H);
RAM: 16 GB SK Hynix DDR4-2133 dual-channel;
Ổ cứng: 256 GB Samsung SM951 M.2 2280 NVMe + 1 TB Hitachi Travelstar 7K1000 7200 rpm.

Một cái đồng hồ bấm giờ điện tử

Tất cả USB đều được format ở NTFS, Allocation Size: 4K

Danh sách USB và giá tham khảo từ Amazon:

ADATA UE700 32 GB giá từ $18,99
Kingston Data Traveler Locker+ G3 32 GB giá từ $25
PNY Clie Turbo 32 GB giá từ $14,99
SanDisk Extreme 32 GB giá từ $19,85
Transcend JetFlash 780 32 GB giá từ $19,99

Ván 1: Benchmark bằng CrystalDisk Mark

Đầu tiên là kết quả benchmark từ CrystalDisk Mark, có thể thấy tốc độ đọc liên tục cao nhất thuốc về Transcend JetFlash 780 với 238 MB/s, nhưng tốc độ ghi liên tục cao nhất lại thuộc về SanDisk Extreme 32 GB với 101 MB/s. Tốc độ đọc/ghi liên tục thể hiện tốc độ truy xuất của USB khi bạn mở một file chẳng hạn như video hay ghi một file dung lượng lớn vào USB.

Riêng về tốc độ đọc/ghi ngẫu nhiên 4K thì nó thể hiện tốc độ truy xuất đối với các tập tin cỡ nhỏ. Thường thì bài test này được coi trọng nhiều hơn đối với ổ HDD hay ổ SSD bởi tốc độ truy xuất 4K sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng của máy bởi hệ điều hành sẽ thường xuyên truy xuất những tập tin dung lượng rất nhỏ, chẳng hạn như 4 Kb và một chiếc ổ cứng với tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4K cao sẽ khiến máy khởi động nhanh hơn, thực hiện các tác vụ mượt mà, nhanh hơn và chạy đa nhiệm tốt hơn. Kết quả trên cho thấy SanDisk Extreme 32 GB có tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4K tốt nhất, xếp thứ nhì là Kingston DataTraveler Locker+ G3, riêng 3 mẫu còn lại đều có tốc độ đọc ngẫu nhiên rất thấp.

Ván 2: Tốc độ truy xuất thực tế

Tất cả đều được thực hiện qua File Explorer mặc định trên Windows 10.

Test 1: File .ISO dung lượng 13,3 GB từ ổ HDD Hitachi Travelstar 7K1000 7200 rpm sang USB
Test 2: Thư mục dung lượng 6,12 GB gồm 15555 file và 7505 thư mục con từ ổ SSD Samsung SM951 sang USB
Test 3: File .ZIP dung lượng 2,96 GB từ ổ SSD Samsung SM951 sang USB
Test 4: Copy lại toàn bộ dữ liệu đã có trên USB (khoảng 22,4 GB) trở lại ổ HDD Hitachi Travelstar 7K1000 7200 rpm.

Qua 3 bài test này, chúng ta có thể thấy tốc độ truy xuất của 5 mẫu USB rất tương xứng với kết quả benchamark. Nhanh nhất vẫn là SanDisk Extreme 32 GB khi thời gian hoàn thành các bài test 1, 2, 3 và 4 ngắn nhất, với các mẫu USB còn lại thì thời gian thực thi các bài test có sự chênh lệch, hơn cái này nhưng lại thua cái kia.

Ở bài test 1, mình mô phỏng một việc rất thường làm đối với anh em khi dùng USB là chép 1 tập tin cài đặt Windows hoặc Office hoặc game dung lượng lớn từ ổ HDD sang USB để đem cài sang máy khác. Tương tự với bài test 3 với một file .zip dung lượng gần 3 GB tương đương với một bộ phim copy từ ổ SSD sang USB. Hầu hết các mẫu USB đều đạt được tốc độ ghi cao nhất có thể.

Tuy nhiên, chuyển sang bài test 2 với một thứ mục chứa 15555 file lớn nhỏ và 7505 thư mục con (đây là nguyên thư mục game LoL) thì tốc độ ghi của các mẫu USB bắt đầu phân hóa rõ ràng hơn. Bài test này cũng mô phỏng một điều chúng ta thường làm là sao lưu dữ liệu trên máy để cài lại Windows hoặc phân vùng lại ổ cứng. Đầu bảng vẫn là SanDisk Extreme nhờ tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4K cao và bét bảng là PNY Clie Turbo khi chiếc USB này tỏ ra rất chật vật để có thể ghi các file nhỏ và nó mất tới 22 phút 45 giây để hoàn tất. 3 mẫu USB còn lại thì tốc độ thực thi bài test này gần tương đương với Kingston DataTraveler Locker+ G3 hoàn tất trong 326 giây, xếp ngay sau là Transcend JetFlash 780 với 346 giây, cuối cùng là ADATA UE700 với 439 giây.

Với bài test 4, mình mô phỏng lại việc copy dữ liệu từ USB ra ổ cứng HDD thì thời gian thực hiện ngắn nhất lại thuộc về SanDisk Extreme, chỉ chậm hơn vài giây là 3 mẫu USB gồm Transcend JetFlash 780, Kingston DataTraveler Locker+ G3 và ADATA UE700. PNY Clie Turbo lại một lần nữa về bét với gấp đôi thời gian thực thi.

Tại sao những mẫu USB này không thể đạt được tốc độ ghi cao nhất ở bài test 2 với nhiều file nhỏ? Chúng ta hãy cùng xem sơ đồ dưới đây, tốc độ đọc/ghi của các mẫu USB sẽ tăng giảm tùy theo dung lượng của file. Khi đọc/ghi 1 thư mục cả ngàn file đủ mọi kích thước thì tốc độ của USB sẽ tăng giảm liên tục chứ không đều như một file duy nhất. Cần lưu ý là tốc độ đọc/ghi tối đa của các mẫu USB được đo bằng USBFlash Bench sẽ khác nhiều so với CrystalDisk Mark bởi USBFlash Benchmark chọn tốc độ đọc và ghi tối đa theo dung lượng file, chẳng hạn như mẫu ADATA UE700 đạt tốc độ đọc tối đa 188,77 MB/s nếu đọc file có dung lượng 8 MB và đạt tốc độ ghi tối đa 45,74 MB/s khi ghi file có dung lượng 8 KB. CrystalDisk Mark trong khi đó dựa trên tốc độ đọc/ghi liên tục của một file mẫu dung lượng 1 GB.

Như vậy qua loạt phép thử thì chúng ta có thể thấy SanDisk Extreme giữ ngôi đầu với tốc độ đọc ghi liên tục và đọc ghi ngẫu nhiên cao nhất. Thời gian thực thi các bài test cũng ngắn hơn so với các mẫu USB còn lại. Vị trí thứ 2 thuộc về Transcend JetFlash 780, thứ 3 là ADATA UE700, thứ 4 Kingston DataTraveler Locker+ G3 và cuối bảng là PNY Clie Turbo.

Nếu xét về giá thành thì PNY Clie Turbo có giá rẻ nhất nên không ngạc nhiên khi hiệu năng của chiếc USB này không ngang bằng với những mẫu USB còn lại. Nó đạt tốc độ đọc liên tục rất cao nhưng tốc độ ghi lại quá chậm. Lớp vỏ nhựa của PNY Clie Turbo cũng không chất lượng, cơ chế trượt mở khá cứng, chỉ được cái nhỏ gọn nhất và dung lượng thực tế có thể sử dụng nhiều nhất trong đám (29,5 GB).

Kingston DataTraveler Locker+ G3 mặc dù có giá đắt nhất, những $25 nhưng lại có hiệu năng chỉ ở mức trung bình, dung lượng thực tế có thể sử dụng cũng ít nhất (28,8 GB). Tính ra thì chiếc USB của Kingston có một vài điểm khiến nó đắt hơn, chẳng hạn như vỏ bằng kim loại anodize khá đẹp, phần nắp tháo rời có thể gắn vào phía sau tránh rơi rớt và đặc biệt là tính năng bảo mật Locker+ giúp bảo vệ dữ liệu qua mật khẩu khá hay, không thể gỡ bỏ hay xóa được. Mặc dù vậy, vỏ kim loại lại có một nhược điểm lớn là sau khi thực hiện loạt bài test, chiếc USB này phát nhiệt, khi cầm rút ra trên tay khá khó chịu.

ADATA UE700 có thiết kế ổn nhất bởi nó khá mỏng, cơ trượt mềm dễ bấm, giá rẻ thứ 2 trong danh sách và hiệu năng khá tốt.

SanDisk Extreme có hiệu năng rất ấn tượng, giá cũng khá tốt nên nếu chọn một chiếc USB nhanh thì bạn nên chọn cái này. Mặc dù vậy, điểm trừ của SanDisk Extreme là thiết kế của nó khá dị hợm, dài ngoằn, vỏ nhựa 2 mảnh ghép lại khá rẻ tiền. Chỉ được cái cơ trượt đầu USB của Extreme có lò xo hỗ trợ nên cảm giác trượt ra trượt vào rất đã, ngồi không mình hay ngứa tay

.

Transcend JetFlash 780 có hiệu năng chỉ xếp sau SanDisk Extreme. Thiết kế của Transcend thì thú thật mình không thích lắm bởi nó hơi cải lương, viền xi nhựa xung quanh qua thời gian có thể bong tróc đen thui rất xấu qua thời gian, trong hộp còn tặng cả sợi dây tình yêu cột vào USB nhưng phần nắp lại không thể gắn vào đuôi USB, rất dễ bị rơi mất.

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/dua-toc-do-5-mau-usb-3-0-dung-luong-32-gb-ai-ve-nhat.2648812/