Đưa số xe, điện thoại vào danh mục tài sản công?

Đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng... Đáng chú ý có đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật đưa kho số xe, điện thoại là tài sản công.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị bổ sung kho số xe, điện thoại vào danh mục tài sản công.

Thu hàng nghìn tỷ đồng từ “số đẹp”

Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quản quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi (theo Tờ trình của Chính phủ được đổi tên là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

Các đại biểu tham gia ý kiến bày tỏ đồng tình về sự cần thiết ban hành đạo luật này, nhưng đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung về phạm vi, đối tượng điều chỉnh...

Về công khai thông tin về tài sản công, ngoài các hình thức được đưa ra trong dự thảo như: Đăng tải trên trang thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các kỳ họp… đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Đình) đề nghị bổ sung một hình thức công khai tài sản công là công khai trên chính tài sản công đó với các thông tin cơ bản như cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng được giao tài sản công, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng và giao Chính phủ quy định các loại tài sản công phải công khai theo hình thức này. Ví dụ đối với xe công thì sẽ dán nhãn có thông tin tên cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, xe được dùng chung hay riêng, thời gian sử dụng xe…

Về đối tượng quy định là tài sản công, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị bổ sung kho số đối với biển số xe (ô tô, xe máy) và số điện thoại vào danh mục tài sản công được quy định ngay trong luật.

“Kho số được cơ quan nhà nước dùng để quản lý phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu của tổ chức cá nhân để khẳng định số xe, số điện thoại và các số tương tự phát sinh sau này là tài sản công”- đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.

“Để tăng tính hiệu quả, khả thi nếu nội dung này được Quốc hội thông qua, tôi đề nghị Chính phủ quy định người có số đẹp thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng số đó cho phương tiện, thiết bị mới, không nhất thiết phải đấu giá lại với các số được đấu giá hợp pháp trước ngày luật này có hiệu lực. Chính phủ sẽ hướng dẫn số tiền thu được từ biển số xe sẽ để lại cho địa phương cấp biển số sử dụng”- Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, năm 2009, Chính phủ có công văn giao Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc bán đấu giá quyên sử dụng biển số nhưng đến nay chưa thực hiện, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân do chưa có luật quy định việc đấu giá sử dụng biển số xe, nếu lần này luật không quy định cụ thể thì việc tạo nguồn thu cho ngân sách từ con số này rất khó thực hiện.

Dẫn ví dụ về việc thí điểm bán đấu giá biển số xe ở Nghệ An thu được 700 triệu đồng (năm 2008), hay bán một sim số điện thoại đẹp thu được 1,6 tỷ đồng vào tháng 10 vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nếu thực hiện được chủ trương này sẽ bổ sung cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng trong những năm tới.

Đa dạng hình thức phân loại tài sản công

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) bày tỏ quan điểm tán thành đổi tên Luật thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, và cần thiết ban hành đạo luật này để quản lý hiệu quả tài sản công.

Về phân loại tài sản công, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị đưa vào luật nhiều cách phân loại cho từng loại tài sản cụ thể theo hướng: phân loại theo chủ thể quản lý; theo mục đích sử dụng; theo mức độ đáp ứng yêu cầu hạch toán, ghi chép, theo dõi, thống kê tài sản theo quy định của Luật Kế toán.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng: Mục tiêu của Luật là quản lý tất cả các loại tài sản công là tiến bộ nhưng như vậy là quá rộng đề nghị cần rà soát, bổ sung các nội dung còn thiếu.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị làm rõ các nội dung liên quan đến: kinh phí sử dụng tài sản công như vấn đề khoán xe công; khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, ở đơn vị sự nghiệp công lập, tại doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đánh giá dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã khắc phục được những bất cập trong thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trước đây.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, đại biểu Hồ Đức Phớc đề nghị, cần bổ sung tài sản dự trữ quốc gia và tài sản phát sinh khác (sau này) là tài sản công.

Về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cơ quan nhà nước theo hình thức đối tác công tư (như dự thảo), đại biểu là Tổng kiểm toán Nhà nước đề nghị nên cân nhắc chỉ thực hiện theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) để tránh các vướng mắc, phát sinh khi vận hành sử dụng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển- người điều hành phiên thảo luận cho biết, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Dự án luật này.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-nghi-dua-so-xe-dien-thoai-vao-danh-muc-tai-san-cong.aspx