Đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện

Chiều 9/11, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Báo cáo thẩm tra dự luật này cho thấy, có ý kiến cho rằng dự luật nên đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ôtô, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng (Nguồn: vneconomy)

"Ủy ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện", thay mặt cơ quan thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh nói.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng nên đưa sản xuất, lắp ráp ôtô thành nghề kinh doanh có điều kiện bởi việc này sẽ góp phần đảm bảo an toàn, môi trường, tạo sự cân đối hài hòa giữa các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Theo đại biểu này, xe nhập khẩu không chính hãng không được hưởng các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật của hãng xe; không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam như khí hậu, thời tiết, tiêu chuẩn đường sá, nhiên liệu… là nguyên nhân tiềm tàng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, sản xuất ô tô đòi hỏi sự an toàn rất cao đối với người sử dụng. Ô tô cũng là loại hàng hóa tiêu dùng đặc biệt, và có quy định đây là sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm phải thu hồi khi hết hạn sử dụng, vì liên quan đến vấn đề an toàn của người tham gia giao thông, sức khỏe con người.

Vì thế lắp ráp ô tô không hề đơn giản, đòi hỏi phải có dây chuyền hiện đại, kỹ sư có trình độ, công nghệ đạt tiêu chuẩn cao…Vì thế, nếu không quy định ngành này vào ngành thành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc không đảm bảo yêu cầu trên. Ngoài ra, sẽ vô tình khuyến khích nhập khẩu các linh kiện, phụ kiện, xe cũ….Tránh tình trạng biến tướng nhập khẩu xe cũ.

“Từ ngành này, tôi cũng đề nghị rà soát lại những ngành nào khuyến khích nhập khẩu mà ảnh hưởng tới nhập rác thải công nghiệp vào nước ta thì phải đưa vào ngành kinh doanh có điều kiện nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe của con người”, đại biểu Lộc nói.

Phát biểu cuối phiên thảo luận tại tổ TP HCM, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông bày tỏ rằng ông cùng quan điểm với các đại biểu về việc đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô ô vào ngành kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Đông phân tích, đây là ngành công nghiệp phải bảo vệ. Việt Nam với 90 triệu dân, sau này khi GDP và bình quân đầu người tăng lên thì đương nhiên đóng góp của ngành công nghiệp này trên GDP cũng sẽ tăng trưởng.

Dẫn ví dụ hiện công nghiệp ô tô chiếm 12%GDP của Thái Lan, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhất "nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì không tăng trưởng tỷ trọng nội địa hóa trong ngành công nghiệp này. Chẳng hạn như Thái Lan, tỷ trọng ngành công nghiệp này trong GDP rất lớn. Chưa kể, nếu cứ nhập khẩu mãi thì sẽ ảnh hưởng tới thâm hụt thương mại, nhập siêu, kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng...".

Cũng theo Thứ trưởng Kế hoạch chốt lại: "Dù chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong ngành công nghiệp ô tô nhưng mấy doanh nghiệp của chúng ta đã tạo ra hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp. Ngành Chính sách của mọi quốc gia đều phải tập trung tạo công ăn việc làm cho xã hội, đó cũng là nhiệm vụ của bất kỳ Chính phủ nào"./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/dua-san-xuat-lap-rap-va-nhap-khau-oto-tro-thanh-nganh-kinh-doanh-co-dieu-kien-218371.html