Đưa phim tài liệu đến với công chúng

Mới đây, việc Hãng phim Tài liệu và Khoa học (TLKH) Trung ương đưa ra rạp bộ phim tài liệu Chuyện của ngày hôm qua về quãng đời hoạt động âm nhạc của cố nhạc sĩ Trần Lập và ban nhạc Bức Tường cho thấy mong muốn khôi phục lại sức hấp dẫn của dòng phim này đối với công chúng.

Chuyện của ngày hôm qua là bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Đặng Linh, kể về hành trình hơn 20 năm thăng trầm để được sống trọn với âm nhạc của Bức Tường; ra rạp đúng vào dịp tưởng niệm một năm ngày mất nhạc sĩ Trần Lập với mục đích gây quỹ ủng hộ các trẻ em ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Bộ phim ít nhiều được kỳ vọng sẽ làm nên một “cơn sốt” nho nhỏ bởi những khán giả yêu rock và hâm mộ Bức Tường. Bằng lối kể chuyện đơn giản mà hiệu quả, hình ảnh thủ lĩnh Trần Lập với giọng hát cá tính cùng những giai điệu quen thuộc khiến nhiều người rơi nước mắt. Tuy vậy, Chuyện của ngày hôm qua chỉ trụ được một tuần tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia với suất chiếu khá khiêm tốn. Xem ra, đưa phim tài liệu ra rạp, đến với đông đảo công chúng vẫn là bài toán khó khăn.

Kể từ thời hoàng kim của phim tài liệu ngoài rạp với Chuyện tử tế và Hà Nội trong mắt ai của NSND Trần Văn Thủy vào năm 1988, mấy năm gần đây mới xuất hiện hai bộ phim trở thành “hiện tượng”, khuấy động được công chúng. Cuối năm 2014, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm về thân phận của những con người bé nhỏ trong gánh hát nghèo, cháy vé tại TP Hồ Chí Minh nhiều tuần liền và thu hút hàng nghìn lượt khán giả Hà Nội tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Bộ phim còn lưu chiếu khắp các tỉnh miền tây và miền trung, mở ra hy vọng cho tương lai cạnh tranh phòng vé của phim tài liệu. Một năm sau, giới làm phim lại được chứng kiến “cơn sốt” mang tên Lửa Thiện Nhân của đạo diễn Đặng Hồng Giang: bộ phim về “chú lính chì” dũng cảm bị bỏ rơi khi vừa mới sinh được ba ngày, bị thú hoang gây nhiều thương tích, đã bền bỉ cùng cha mẹ nuôi trong hành trình phẫu thuật ở nước ngoài để có thể sống và hòa nhập cộng đồng. Lửa Thiện Nhân gây “sốt” các rạp Ngọc Khánh (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh); được nhà phát hành Platinum Cineplex đưa vào chiếu tại năm hệ thống rạp trên toàn quốc với hàng trăm suất chiếu phục vụ hàng chục nghìn lượt khán giả. Đó là nỗ lực đáng biểu dương của các nhà làm phim độc lập; đồng thời cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của những chất liệu đời sống chân thật, lay động lòng người. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một hoạt động lớn đáng chú ý thời gian qua, là Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam do Hãng phim TLKH Trung ương tổ chức bảy năm liên tiếp tại Hà Nội; góp phần hình thành một lượng khán giả thân thiết cho phim tài liệu và tạo thêm động lực cho các nhà làm phim.

Tuy nhiên, đưa phim tài liệu ra rạp không phải là con đường bằng phẳng, dễ dàng. Có thể do nhiều năm qua, cách làm phim của chúng ta đã làm mất đi những ý niệm của khán giả về thể loại phim này. Theo giới chuyên môn, phim tài liệu là cái gốc của điện ảnh. Một số ý kiến cho rằng, nếu mang điện ảnh của ta đi “đánh xứ người” thì phim tài liệu chính là niềm hy vọng, tiềm năng lớn. Được chọn mở đầu cho kế hoạch tìm lại vị thế của phim tài liệu trong nền điện ảnh nước nhà, bộ phim Chuyện của ngày hôm qua gửi gắm nhiều kỳ vọng của Hãng phim TLKH Trung ương. Dù khởi đầu chưa hứa hẹn bứt phá, song được biết, phim sẽ tiếp tục chiếu tại TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn; đưa vào các trường đại học. Sau đó, Hãng còn cho ra rạp Thời bao cấp của đạo diễn Trần Tuấn Hiệp vào dịp Quốc khánh 2-9; sẽ rút kinh nghiệm và đẩy mạnh truyền thông hơn để thu hút khán giả.

Khó, cho nên phải từ từ. Đó là quan điểm của các đạo diễn về việc đưa phim tài liệu ra rạp. Kế hoạch để phim tài liệu “tái xuất” của Hãng phim TLKH Trung ương đang góp phần tiếp thêm ngọn lửa nhiệt tình cho các nhà làm phim độc lập, bởi có bạn đồng hành chắc chắn tốt hơn là số ít đơn độc. Mong rằng, phim tài liệu sẽ tìm lại được thời “vang bóng”; chinh phục khán giả bằng sự chân thật của hiện thực cuộc sống và những thông điệp tích cực mang ý nghĩa chia sẻ, dựng xây.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32455302-dua-phim-tai-lieu-den-voi-cong-chung.html