Đưa người già vào trung tâm dưỡng lão: 'Tất yếu' hay 'Bất hiếu'?

Tới triển lãm 'Chuyện tuổi già' diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ VN, mỗi người sẽ rút ra quan điểm của riêng mình về vấn đề đang được xã hội quan tâm này.

Kỷ niệm 25 năm ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991- 1/10/2016), sáng 30/9/2016, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức khai mạc triển lãm ảnh “Chuyện tuổi già”.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc- Giám đốc Trung tâm Bách niên Thiên Đức và Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc- Giám đốc Trung tâm Bách niên Thiên Đức và Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Với 28 bức ảnh trưng bày tại triển lãm, các cụ già ở Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức đã kể lại câu chuyện đời mình, về niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn, sự cô đơn, quan niệm sống, về tình bạn, tình yêu, hồi ức về chồng con, gia đình…với nhiều cung bậc cảm xúc.

Những tâm sự của các cụ tuy giản dị nhưng chất chứa những giá trị sống, để người xem lắng nghe, suy ngẫm, ít nhiều rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho chính mình để sau này không phải nói "giá như".

Đưa người già vào Trung tâm dưỡng lão: "Tất yếu" hay "Bất hiếu"?

Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: "Người già có nhiều điều mà chúng ta không hiểu hết. Triển lãm này là một lát cắt về cuộc sống của người già trong xã hội hôm nay".

Theo bà Vân, việc đưa chủ đề "Nơi cuộc sống bắt đầu" vào triển lãm để nói về một vấn đề của xã hội đương đại- vấn đề đưa người già vào trung tâm dưỡng lão.

Bà Vân chia sẻ: "Khi nhóm thực hiện dự án phỏng vấn những người cao tuổi, những người trẻ tuổi và những người trong xã hội thì có rất nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng phải đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão để bố mẹ tận hưởng cuộc sống tuổi già, nhưng cũng có quan điểm cho rằng đó là bất hiếu".

Thông điệp của triển lãm là "Hãy rút ngắn khoảng cách thế hệ; Hãy yêu thương, trân trọng người già". Việc đưa người già vào trung tâm dưỡng lão là "tất yếu" hay "bất hiếu", theo bà Vân thì câu hỏi này là một câu hỏi mở. Xem những bức ảnh tại triển lãm, mỗi người sẽ có quan điểm của riêng mình về vấn đề đang được xã hội quan tâm này, bà Vân nói.

Câu chuyện của những người trong cuộc

Tại lễ khai mạc triển lãm "Chuyện tuổi già" còn có sự tham gia của một số cụ hiện đang sống tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức.

Cụ Lê Bích Châu (84 tuổi) tâm sự: "Ban đầu, hai vợ chồng tôi muốn vào sống trong trung tâm nhưng các con phản đối. Sau đó, chúng tôi phải giải thích rất nhiều thì con cháu mới đồng ý. Ở đây, tất cả nhân viên đều được đào tạo để phục vụ người già, thái độ rất tốt, đêm ngày đều có người trực, cần gì thì bấm chuông, yên tâm hơn ở nhà nhiều. Tôi may mắn còn khỏe nên vẫn tự túc làm mọi việc. Hiện tôi vẫn dịch sách tiếng Anh, tiếng Pháp, làm thơ và tham gia văn nghệ".

Cụ Lê Bích Châu (84 tuổi)

Ông Toàn là một Việt kiều Úc. Khi về Việt Nam, ông vào sống tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức. Người yêu cũ thời đi học của ông tuần nào cũng đến thăm ông hai lần. Bà chăm sóc, làm đồ ăn cho ông rất chu đáo. Thỉnh thoảng bận việc, bà không thể vào thăm thì ông buồn, có khi ông còn dỗi bà. Theo ông Toàn, "sống là phải có tình yêu".

Cụ Bùi Thế Năng (81 tuổi) chia sẻ: "Tôi rất sung sướng khi vào trung tâm. Được các nhân viên ở đây chăm sóc tận tình, chu đáo, tôi yên tâm đây là ngôi nhà thứ hai của mình và chắc chắn tôi sẽ ở đây đến cuối đời. Hiện trung tâm còn thiếu thốn, còn khó khăn, tôi mong muốn có sự quan tâm giúp đỡ để đời sống các cụ già đầy đủ hơn".

Cụ Năng ân cần chăm sóc cụ Liệu- người bạn tri kỷ mà cụ gặp tại trung tâm Bách niên Thiên Đức.

Nói về cuộc sống của bố mình tại trung tâm Thiên Đức, chị Hà, con gái cụ Năng chia sẻ: "Bố tôi phải mổ tiền liệt tuyến. Khi cụ vào đây, vì trung tâm có phòng phục hồi chức năng, cụ chịu khó tập luyện nên sức khỏe khá hơn rất nhiều. Khi cụ còn ở nhà, con cái đi làm cả ngày, ít có điều kiện chăm sóc, nói chuyện. Vào đây, cụ rất vui vì có nhiều bạn tâm giao".

Cụ Năng tâm sự: "Ở đây, tôi gặp được bà Liệu, một người bạn tri kỷ. Chúng tôi rất hiểu nhau, coi nhau như anh em. Bà ấy chăm sóc tôi chu đáo lắm. Đến cuối đời mà được như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi".

"Khi cụ Liệu ra nước ngoài thăm con hai tháng, bố tôi ốm liểng xiểng, đi lại khó khăn, phải dùng xe lăn. Gia đình tôi báo cho cụ Liệu biết. Theo kế hoạch thì cụ Liệu đi 3 tháng nhưng được tin bố tôi rất yếu, thế là cụ Liệu sốt ruột gọi điện thoại cho bố tôi, hứa về sớm. Khi biết tin cụ Liệu sắp về, bố tôi liền bỏ xe lăn và cố gắng tập đi", chị Hà vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Đức Toàn (phải) và em trai

Ông Nguyễn Đức Toàn, 78 tuổi là Việt kiều Canada. Trước khi về nước, ông bị bệnh Parkinson. Dù ở nước ngoài có điều kiện chăm sóc tốt nhưng ông vẫn quyết tâm trở về Việt Nam sống nốt những năm tháng cuối đời. Hiện ông Toàn đã sống tại Trung tâm Bách niên Thiên Đức được hơn 2 năm. Khi được hỏi về cuộc sống của ông tại đây, ông Toàn nói: "Hết ý! Không còn gì để nói, đến chết tôi cũng mãn nguyện"./.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

NSND Trần Phương hội ngộ người bạn cũ Tuệ Minh sau bao năm xa cách tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức.

Ông Bùi Thế Năng tâm sự ông mãn nguyện khi gặp được bà Liệu- một người bạn tri kỷ.

Cụ Lê Bích Châu (84 tuổi) vẫn dịch sách và làm thơ.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Lễ khai mạc triển lãm "Chuyện người già".

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc- Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức chụp ảnh cùng gia đình cụ Năng, cụ Liệu.

Hồng Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/dua-nguoi-gia-vao-trung-tam-duong-lao-tat-yeu-hay-bat-hieu-555624.vov