Đưa Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII vào cuộc sống: Xây dựng và thực thi đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên

Một trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là cần nâng cao nhận thức pháp luật, coi pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát. Đồng thời cần đề cao trách nhiệm quản lý theo pháp luật, coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội và thực thi đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên.

Luật sư Phan Trung Hoài.

Thực tế nhìn từ quá trình tham gia tố tụng trong nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và thực thi trách nhiệm công vụ chính là sự coi thường vai trò của pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Một số cán bộ, công chức khi vướng vào vòng tố tụng dù là người được tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo bài bản từ nhận thức chính trị, kiến thức quản lý kinh tế và pháp luật, nhưng đã cố tình vi phạm pháp luật trong quản lý điều hành cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... Họ nhận thức không đúng về trách nhiệm công vụ của mình, thiếu ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật, thực hiện các hành vi xâm phạm trật tự quản lý hành chính của cơ quan, tổ chức hay trật tự quản lý kinh tế. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội về các hành vi của các cán bộ vi phạm này cao hơn nhiều so với người khác, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh nguyên nhân chính yếu xuất phát từ nhận thức và thực thi trách nhiệm người có chức vụ, quyền hạn nêu trên, có một nguyên nhân quan trọng mà Đảng ta đã chỉ ra, đó là việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, không chỉ chưa kịp thời mà chính sách, pháp luật của Nhà nước ta thời gian qua còn tình trạng chưa tương thích, chưa phản ánh đầy đủ và theo kịp với đời sống kinh tế, xã hội đang phát triển mạnh mẽ, với đa chiều các quan hệ, lợi ích đan xen nhau. Bản chất các vụ án hình sự liên quan đến trật tự quản lý kinh tế hay chức vụ nảy sinh từ chính sự cọ xát, kiểm nghiệm giữa chính sách, pháp luật với thực tế đời sống.

Có thể chỉ ra rất nhiều ví dụ từ thực tiễn để làm rõ nguyên nhân này. Nhiều vụ án cho thấy đã có những bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai, chưa giải quyết được quan hệ mâu thuẫn giữa thực thi các quyền của người sử dụng đất hợp pháp với chế độ sở hữu đất đai thuộc về toàn dân. Đất đai là một loại tài sản đặc biệt (có người còn gọi là tư liệu sản xuất đặc biệt) không nằm trong vùng lưu thông dân sự như các loại tài sản, hàng hóa khác, nhưng giá trị quyền sử dụng đất lại được biểu hiện trong các giao dịch trên thị trường. Các quy định pháp lý điều chỉnh chế độ giao đất chuyển sang chế độ cho thuê đất đã tác động trực tiếp và là một phần nguyên nhân xảy ra vụ án, do cách hiểu về bản chất pháp lý của từng chế định pháp lý nói trên là khác nhau. Vụ án liên quan đến Vinashin và những hệ lụy sau này, do tính chất thí điểm, thử nghiệm nên chưa có một hệ thống cơ chế, chính sách hoạt động ổn định, mang nặng tính thăm dò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên đã không tránh khỏi những lúng túng trong điều hành thực tế, dẫn đến vi phạm pháp luật. Các vụ đại án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây còn cho thấy nhiều cán bộ, công chức nhận thức không đúng quy định về quản lý kinh tế, áp dụng sai lệch dẫn đến thiệt hại cho tài sản nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ tổng quát nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng nêu rõ, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm. Để Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đi vào đời sống, trở thành tiêu chí đánh giá nhận thức và trách nhiệm của những người có chức vụ, quyền hạn, chúng tôi đồng thuận với một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng chỉ ra là phải rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt… Chủ tịch Nước Trần Đại Quang tại Hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 2016 vừa qua đã chỉ rõ: “Thông qua mỗi vụ án, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và kiến nghị các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu”.

Chúng tôi thiết nghĩ, một trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là cần nâng cao nhận thức pháp luật, coi pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát, đồng thời đề cao trách nhiệm quản lý theo pháp luật, coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội và thực thi đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên.

LS-TS PHAN TRUNG HOÀI - ỦY VIÊN ĐẢNG ĐOÀN, PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VN

LS-TS PHAN TRUNG HOÀI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-tu-4-khoa-xii-vao-cuoc-song-xay-dung-va-thuc-thi-dao-duc-cong-vu-cua-can-bo-dang-vien-631292.bld