Đưa học sinh lớp 1 ra thí điểm, nguy hiểm vô cùng

GS Hồ Ngọc Đại đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể. Ông cho rằng nên lùi thời gian triển khai và đặc biệt là không nên thí điểm với học sinh lớp 1.

Số 0 về tư tưởng và thực tiễn công nghệ

- Thưa GS, là người gần như cả đời gắn bó với giáo dục, quan điểm của GS như thế nào về Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể?

- Dự thảo này không thể hiện tư tưởng, triết lý giáo dục mới, không có công nghệ mới và rối rắm hóa những điều giản đơn. Đọc thì có vẻ ly kỳ nhưng nội dung chẳng có gì. Là số 0 về tư tưởng và thực tiễn. Khi thay đổi một chương trình giáo dục thì phải thay đổi căn bản cả về tư tưởng chỉ đạo lẫn công nghệ thực thi. Dự thảo đưa ra số phẩm chất và năng lực nhưng lại không đề cập đến công nghệ thực thi. Vậy lấy gì để tạo ra và tạo ra bằng cách nào?

GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của chương trình GDPT tổng thể. Ảnh: D.H

- Chú trọng đến năng lực và phẩm chất của học sinh, đây phải chăng là mục tiêu đổi mới mà Bộ GD&ĐT hướng đến, thưa GS?

- Nếu nói về điều này thì tôi có thể chỉ ra không chỉ 6 phẩm chất mà còn có thể 500 hay 6 vạn phẩm chất mà không thấy có nghĩa lý gì. Nếu cứ đặt ra những khuôn mẫu như thế, thì theo tôi chỉ cần làm đúng 5 điều Bác Hồ dạy là đủ. Trẻ con hiện đại không phải như thế.

Tôi vẫn tâm niệm với triết lý “mỗi người học trở thành chính họ”. Trước kia, học để trở thành người khác, thành quan, lãnh đạo. Còn bây giờ mỗi cá thể học để trở thành chính họ, là cuộc sống. Không nên so sánh với ai và đặt trong khuôn mẫu nào cả. Mỗi học trò đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng, rất tự nhiên, không phải so với người khác. Học phải là hạnh phúc chứ học mà đau khổ thì đi học làm gì?

Đừng đưa học sinh lớp 1 ra thử nghiệm!

- Theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019 sẽ thí điểm chương trình mới ở các lớp đầu cấp, sau đó sẽ áp dụng đại trà. Lộ trình này theo GS có ổn hay không?

- Rất nguy hiểm! Nếu bộ GD&ĐT đưa học sinh lớp 1 ra để thí điểm, điều này sai lầm vô cùng! Quá cập rập khi áp dụng lên độ tuổi này vì lớp 1 liên quan đến toàn dân tộc, gắn liền máu thịt với toàn bộ xã hội. Lớp 6 và 10 thì trẻ con lớn hơn rồi, có thể tạm chấp nhận, riêng lớp 1 thì không nên. Trẻ con tuổi này còn trong sáng lắm, nếu không làm chuẩn thì sau này cả một thế hệ học sinh bị ảnh hưởng.

Một đứa trẻ lớp 1 đi học thì bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác lo lắng… Có cả chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu đứa trẻ đó học tốt, hạnh phúc thì chục người đó hạnh phúc. Còn không thì ngược lại hoàn toàn.

Tại sao lại cứ phải vội vàng quá làm gì khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng? Chỉ thêm mất sức, mất công và làm xáo động xã hội. Có chăng sự vội vàng duy nhất của Bộ là để nhanh được giải ngân?

- Nếu vẫn sẽ áp dụng CTGDPT mới vào năm sau, theo GS kết quả sẽ thế nào?

- Tôi cho rằng sẽ không tốt bằng việc tiếp tục như chương trình hiện nay. Thà tiếp tục như hiện tại còn hơn mà lại không tốn kém. Tiền để làm việc khác.

Ví dụ hãy dùng toàn bộ ngân sách ấy để cấp miễn phí sách giáo khoa cho trẻ con, coi như quà nhà nước tặng. Hoặc thiết thực nhất là hãy trang bị cho mỗi nhà trường một nhà vệ sinh thật hiện đại. Đó là nhu cầu thiết thực hàng đầu của học sinh

Mất thời gian là mất tuyệt đối!

- Nếu cần có sự đổi mới, theo GS nên thiết kế chương trình theo hướng nào?

Bản chất của giáo dục là cung cấp tri thức. Vấn đề là cung cấp tri thức gì, cách cung cấp như thế nào? Trong tất cả những cái mất, mất thời gian là mất tuyệt đối, không gỡ được! Vì vậy, mỗi giờ học phải tạo ra một giá trị cho trẻ con. Muốn làm được điều này phải có công nghệ chắc chắn. Dự thảo này không đưa ra giải pháp cho điều này.

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng thử nghiệm chương trình với học sinh lớp 1 từ năm học 2018 - 2019 là điều rất nguy hiểm. Ảnh: D.H

- Vậy theo GS quá trình đổi mới giáo dục phải bắt đầu thế nào?

Muốn có cuộc cải cách này thì phải có hai mạch phải cải cách gồm: Tư tưởng lí thuyết và phải có công nghệ thực thi. Công nghệ là quá trình thực tiễn được thực thi và kiểm soát chứ không phải máy móc hay cơ sở vật chất. Chưa có hai cái căn bản này thì khó làm được.

Một điều nữa là phải đổi mới sư phạm, đổi mới nghiệp vụ của giáo viên trước đã, ít nhất là trước một khóa (thường 4 năm). Trong khi đó, sư phạm là cái lạc hậu nhất trong những cái lạc hậu của giáo dục Viêt Nam. Ở ta, sư phạm cứ lụi hụi đi sau. Nếu không đổi mới thầy cô trước, thì chưa thể gọi là đổi mới giáo dục căn bản.

Theo tôi, nên có nhiều giải pháp chứ không nên xem dự thảo là giải pháp duy nhất. Chúng ta nên có nhiều giải pháp khác. Sản phẩm này làm ra như một doanh nghiệp nhà nước làm ra, không có cái thứ hai. Nhưng ngày nay, tôi mong nhà nước có giải pháp khác để nhân dân tham khảo ý kiến chứ không phải lấy ý kiến là xong và cứ thế thực hiện.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Xem thêm clip GS Hồ Ngọc Đại nói về sự lãng phí CTGDPT tổng thể:

Dương Hà (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/dua-hoc-sinh-lop-1-ra-thi-diem-nguy-hiem-vo-cung-post27303.html