Ðưa đặc sản vùng, miền vào hệ thống phân phối hiện đại

Ðặc sản của các vùng, miền trong nước ta luôn thu hút người tiêu dùng, nhưng mới chỉ tiếp cận được thị trường nhỏ hẹp tại địa phương. Ðể phát triển sản xuất, mở rộng thị trường cho các sản phẩm này, cần có sự liên kết, giao thương giữa các địa phương, các doanh nghiệp, nhất là giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối, để đưa sản phẩm vào hệ thống tiêu thụ ở các thị trường lớn.

Nhiều tiềm năng phát triển

Hội chợ Ðặc sản vùng, miền Việt Nam lần thứ ba được tổ chức tại địa điểm quen thuộc là Trung tâm thương mại Vincom Royal City (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, khuôn viên rộng rãi ở đây trở nên chật chội trước quy mô và độ thu hút của chương trình năm nay. Ngay từ tối khai mạc, các gian hàng trong hội chợ đã chật kín khách hàng, những lối đi chen cứng người. Ðúng như tên gọi, những sản vật, hàng hóa đặc sản của khắp các vùng, miền từ miền núi tới vùng biển, từ đồng bằng tới cao nguyên đều tụ hội lại đây, khoe hương sắc với người tiêu dùng Thủ đô.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (đơn vị tổ chức hội chợ) Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, nếu như năm đầu tiên tổ chức, Ban Tổ chức phải giới thiệu, thuyết phục từng đơn vị tham gia, thì tới năm nay, các doanh nghiệp, các địa phương đều tích cực hưởng ứng, chủ động đăng ký tham gia. Hội chợ năm nay có 250 gian hàng, nhiều gấp đôi so với năm đầu tiên tổ chức. Ðiều này cho thấy hiệu quả của chương trình, đồng thời cũng thể hiện nhận thức của doanh nghiệp các địa phương trong việc tiếp cận thị trường Thủ đô đã có sự chuyển biến.

Không chỉ tăng về số lượng gian hàng, sự chuyển biến của doanh nghiệp còn thể hiện trên từng sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại hội chợ. Chủ nhiệm CLB nữ doanh nhân Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) Vũ Minh Huệ cho biết: "Qua những lần tiếp cận với người tiêu dùng Thủ đô, nhất là hệ thống phân phối hiện đại như các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp đã quan tâm và chú ý hơn tới việc đăng ký thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, các giấy tờ liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận nguồn gốc... Chúng tôi cũng nhận thấy, tiềm năng phát triển thị trường cho các đặc sản vùng, miền tại Hà Nội là rất lớn".

Cần liên kết chặt chẽ hơn

Hội chợ Ðặc sản vùng miền Việt Nam 2016 không đơn thuần là nơi bán hàng, mà là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các tỉnh tiếp cận, giao thương với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nhất là các doanh nghiệp phân phối, các khách sạn, nhà hàng... Qua đó, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối khép kín, bảo đảm cung - cầu và kiểm soát được chất lượng sản phẩm, góp phần tăng giá trị và phát triển thị trường cho hàng hóa trong nước sản xuất. Do đó, bên lề hội chợ, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với 49 tỉnh, thành phố. Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trong hệ thống phân phối như: Vinmart, Saigon Co-op Mart, Big C, Aeon Mall, Hapro, V+, Fivimart… Ngay tại hội nghị, 21 nhà phân phối đã ký biên bản kết nối, tiêu thụ sản phẩm với 265 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp chia sẻ, người sản xuất vẫn thường loay hoay với câu hỏi "Bán cho ai?". Thực trạng trên cho thấy việc kết nối cung - cầu chưa tốt. Do đó, đơn vị đã liên kết với các nhà sản xuất để thu mua tại nguồn, đồng thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc ứng dụng công nghệ, tập huấn kinh nghiệm quản lý, sản xuất một cách chuyên nghiệp, bài bản, hướng tới mục tiêu chung là cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Gần 1.000 điểm phân phối Vinmart, Vinmart + sẵn sàng tạo điều kiện, ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, để đưa đặc sản, hàng hóa các vùng miền vào hệ thống phân phối một cách hiệu quả thì vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho biết, trong quá trình kết nối tìm kiếm nguồn hàng, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Bởi tại các địa phương hiện có quá ít các doanh nghiệp làm đầu mối thu mua hàng hóa cho đơn vị sản xuất và các hộ nông dân. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, dễ bị ảnh hưởng. Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho biết thêm, hiện nay hầu hết các hộ nông dân, hợp tác xã khi sản xuất nông sản hàng hóa vẫn theo tập quán truyền thống, cho nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ. Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường.

Ðể doanh nghiệp phân phối và sản xuất không chỉ gặp được nhau mà còn hợp tác lâu dài, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đề nghị, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu mối, liên minh các hợp tác xã… phải đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, liên kết các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ lẻ, hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ, phát triển hệ thống sản xuất tiêu thụ hàng hóa. Ðồng quan điểm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đề nghị các doanh nghiệp tích cực tham gia hợp tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng đầu tư vào mẫu mã, bao gói sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu hàng Việt bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Các địa phương cần đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành về thông tin, định hướng cung-cầu, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, VietGAP, GlobalGAP…, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu đầu tư lĩnh vực chế biến theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31469002-%c3%b0ua-dac-san-vung-mien-vao-he-thong-phan-phoi-hien-dai.html