Đưa công tác kiểm định, phân tích, giám định đi vào thực chất

(HQ Online)- Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, ông Nguyễn Ngọc Huân, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan cho biết, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của ngành liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19/2016/NQ-TTg của Chính phủ và xây dựng Cục Kiểm định Hải quan theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đơn vị đang từng bước đưa công tác kiểm định, phân tích, giám định đi vào thực chất đáp ứng nhiệm vụ kiểm định hàng hóa XNK trong tình hình mới.

Xin ông cho biết cụ thể kế hoạch triển khai hoạt động Kiểm định Hải quan theo Kế hoạch hành động của Tổng cục Hải quan thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-TTg?

Nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-TTg, đơn vị đang rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của Cục Kiểm định theo quy định chức năng, nhiệm vụ mới do Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Ngoài việc phân tích, giám định để phân loại hàng hóa trong công tác kiểm tra giám sát hải quan, Cục Kiểm định Hải quan sẽ tập trung triển khai công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với một số nhóm hàng đã được các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn (ví dụ như phân bón, vải dệt, đồ chơi trẻ em và một số tiêu chí liên quan đến thực phẩm). Cục Kiểm định Hải quan thực hiện các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về hải quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đề xuất sửa đổi nghị định, thông tư, thậm chí quy định tại luật chuyên ngành đảm bảo cơ quan Hải quan và các đơn vị cơ quan của các bộ, ngành khác phối hợp hiệu quả và tạo điều kiện tối đa cho DN cũng như kiểm soát chặt hoạt động XNK các mặt hàng kém chất lượng, không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm qua biên giới.

Theo đó, giai đoạn 2016-2017, đơn vị thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng đủ năng lực triển khai như: Phân bón, vải dệt, đồ chơi trẻ em, đồ uống có cồn, một vài loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm nông sản; định hướng đào tạo cho các cán bộ phân tích để mở rộng các chỉ tiêu phân tích và các mặt hàng liên quan đến kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai trang bị các phòng kiểm định di động (mobile lab) tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra chuyên ngành tại khu vực biên giới phía Bắc khi chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất, cán bộ kỹ thuật để thành lập như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai nhằm đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa cho DN. Trang thiết bị phân tích trên các phòng kiểm định di động tập trung vào các đối tượng hàng hóa NK với số lượng lớn và có nguy cơ mất an toàn cao. Từng bước nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyên sâu cho Cục Kiểm định Hải quan và các Chi cục Kiểm định.

Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành xác định nhu cầu đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các khu vực có lưu lượng hàng hóa XNK phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lớn tại các địa điểm kiểm tra tập trung. Định hướng, xây dựng đề án trang bị các máy móc phân tích chuyên dụng để thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành.

Lộ trình từ năm 2018 đến năm 2025, đơn vị sẽ đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đưa vào hoạt động chính thức Chi cục Kiểm định đặt tại Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kiến nghị thành lập thêm một số Chi cục Kiểm định tại các khu vực quan trọng khác theo nhu cầu khảo sát thực tế tại thời điểm đó.

Cục Kiểm định Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Hải quan địa phương trong việc trực tiếp chỉ đạo kiểm tra xác định bản chất hàng hóa và xác định mã số hàng hóa XNK?

Hiện tại, Cục Kiểm định vẫn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Hải quan địa phương trong việc xác định bản chất hàng hóa để xác định mã số. Điều này đã thể hiện trong các văn bản pháp luật cũng như Quy chế của ngành liên quan công tác phân tích phân loại hàng hóa. Cụ thể, với trường hợp hàng hóa phải qua phân tích bằng các thiết bị máy móc mới xác định được bản chất, thành phần để phân loại hoặc các trường hợp không thể lấy và gửi mẫu phân tích đến các đơn vị thuộc Cục chúng tôi đều cử cán bộ xuống tận các đơn vị Hải quan địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ.

Thực hiện chỉ đạo giảm tải số lượng mẫu yêu cầu phân tích phân loại của lãnh đạo Tổng cục và căn cứ số liệu thống kê tại Cục, Cục kiểm định thấy rằng có một số nhóm mặt hàng có kết quả phân tích phân loại lặp lại như chất màu dùng trong công nghiệp, sơn và vec ni, các loại vải dệt. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, giảm tải để tập trung cho nhiệm vụ mới Cục Kiểm định đã đề nghị các đơn vị Hải quan địa phương và yêu cầu các Chi cục Kiểm định hạn chế việc gửi và tiếp nhận phân tích phân loại các mẫu có tần suất lặp lại nhiều. Đồng thời, Cục Kiểm định cũng cử các cán bộ phân tích phân loại vững vàng về nghiệp vụ tham gia giảng dạy nghiệp vụ phân loại cho các đơn vị Hải quan địa phương để nâng cao trình độ phân loại cho các cán bộ làm công tác trực tiếp.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm định cũng chỉ đạo các Chi cục ban hành các thông báo kết quả phân tích đảm bảo theo đúng thời gian quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dua-cong-tac-kiem-dinh-phan-tich-giam-dinh-di-vao-thuc-chat.aspx