Dự trữ Nhà nước: 60 năm lặng thầm cống hiến

Trong những ngày đầu Tháng Tám lịch sử, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất (lần thứ hai). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ghi dấu quá trình xây dựng, trưởng thành, phát triển và những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành DTNN trong 60 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Pham Dũng kiểm tra công tác bảo quản hàng dự trữ tại điểm kho của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng.

Hậu phương vững chắc

Cách đây 60 năm, ngày 7/8/1956 Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước trực thuộc Phủ Thủ tướng - tiền thân của Tổng cục DTNN ngày nay được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I: “Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”.

Thành lập từ những năm tháng kháng chiến, kiến quốc, ngành DTNN đã cùng với toàn Đảng, toàn dân góp phần cho kháng chiến thắng lợi. Ngay giai đoạn đầu mới thành lập, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước ngoài nhiệm vụ tiếp nhận cơ sở vật chất, kho hàng, hàng dự trữ từ các Bộ chuyển sang, còn tiếp nhận các mặt hàng viện trợ của nước ngoài và không ngừng đẩy mạnh việc nhập tăng nguồn lực lượng DTQG. Sau 5 năm đi vào hoạt động, tổng trị giá hàng DTQG đã tăng 300% so với năm 1956, được bố trí ở các vùng chiến lược trên địa bàn của 12 tỉnh ở miền Bắc.

Trong giai đoạn cùng với cả nước phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện để đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ đã tăng cường nguồn lực DTQG, bổ sung một khối lượng lớn lương thực, vật tư thiết bị chiến lược vào kho DTQG.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo quản, quản lý, xuất cấp hàng DTQG nhiều cán bộ, công chức ngành DTNN cùng với nhân dân ở các địa phương đã quên mình bám kho, bám hàng để bảo vệ an toàn tài sản, hàng DTQG; xuất cấp, vận chuyển hàng vạn tấn hàng DTQG kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay sau khi thống nhất đất nước, ngành DTNN hăng hái cùng với cả nước bắt tay khôi phục cơ sở hạ tầng bị tàn phá ở miền Bắc; nhập tăng nguồn lực DTQG; thực hiện xuất cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thuốc chữa bệnh cho người dân, hạt giống cây trồng và các loại vật tư thiết bị chiến lược theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.

Để sử dụng quỹ DTQG có hiệu quả theo hướng tập trung thống nhất quản lý hàng DTQG, bảo đảm cho ngành DTNN hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 18/02/1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 31/HĐBT sát nhập Cục Dự trữ vật tư Nhà nước thuộc Bộ Vật tư và các Cục Quản lý DTNN ở các Bộ, ngành để thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Cùng với việc đảm bảo cung cấp hàng hóa kịp thời cho các nhu cầu của nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dự trữ cũng từng bước trưởng thành và dần dần được chuyên môn hóa; những cơ chế, quy chế, quy trình, quy phạm và định mức bảo quản hàng DTQG cũng được chú ý xây dựng cho phù hợp với tình hình quản lý kinh tế trong thời kỳ này.

Trong giai đoạn này, ngành DTNN cũng đã tập trung xây dựng hệ thống kho bảo quản hàng DTQG. Bên cạnh đó việc nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tổ chức và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ được quan tâm nên hoạt động DTNN trong giai đoạn này đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho.

Xuất cấp kịp thời hàng DTQG hỗ trợ, cứu trợ nhân dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Đổi mới và phát triển

Là lĩnh vực kinh tế quan trọng, ngành DTNN đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Năm 1988, trước thực tế lượng hàng hóa dự trữ tồn kho rất thấp, đặc biệt lương thực, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 15/CT về việc tăng cường lực lượng DTNN và ban hành Nghị định số 142/HĐBT về quy chế quản lý DTQG. Những cơ chế này đã tạo ra động lực mới để ngành DTNN huy động các loại hàng hóa, vật tư thiết yếu đưa vào DTQG, tăng cường lực lượng dự trữ chiến lược cho đất nước. Cùng với đó, Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước thành Cục Dự trữ quốc gia.

Đặc biệt, đến thời điểm năm 2000, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách nền hành chính, đồng thời để tiếp tục kiện toàn cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Cục Dự trữ quốc gia về trực thuộc Bộ Tài chính. Việc chuyển Cục Dự trữ quốc gia về trực thuộc Bộ Tài chính đã đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn ngành DTNN hoạt động và phát triển trong ngôi nhà chung của ngành Tài chính Việt Nam.

Là một tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính, Cục Dự trữ quốc gia có thêm nhiều điều kiện để khẳng định vai trò của mình, đưa hoạt động DTNN trở thành một công cụ tài chính tham gia vào điều tiết vĩ mô nền kinh tế và có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển bền vững và bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Nhà nước.

Trước yêu cầu trong tình hình mới, ngày 27/11/2008, tại Nghị định số 118/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Cục Dự trữ quốc gia đã được đổi tên và nâng cấp thành Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Tổng cục DTNN được tổ chức theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý từ Trung ương đến các vùng chiến lược trên địa bàn cả nước. Trong đó, trên các địa bàn vùng chiến lược có 22 Cục DTNN khu vực thuộc Tổng cục DTNN; các đơn vị thực hiện chức năng trực tiếp nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG gồm có 96 Chi cục DTNN trực thuộc Cục DTNN khu vực.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống tổ chức của Tổng cục DTNN, Chính phủ đã phân công cho một số bộ, ngành như: Quốc phòng, Công an, Công thương, NN&PTNT, Y tê… kiêm nhiệm quản lý và bảo quản hàng DTQG theo chuyên ngành. Với quy mô và phạm vi rộng lớn như trên, ngành DTNN bao gồm cả 9 bộ, ngành đã ngày càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực sự là một trong những công cụ tài chính quan trọng giúp Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trong giai đoạn này, nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý DTQG được đã đặt ra và từng bước được giải quyết, như: xây dựng chiến lược DTQG; quy hoạch và xây dựng hệ thống kho DTQG theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa; đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ; kiện toàn hệ thống tổ chức và tinh giản biên chế, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức DTQG; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong quản lý và bảo quản hàng DTQG.

Áp dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo quản hàng DTQG

Ngày càng năng động, hiệu quả

Qua mỗi chặng đường phát triển, ngành DTNN ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm gần đây, ngành DTNN đã có những bước phát triển vượt bậc.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động DTNN trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế chính sách về DTQG. Bước ngoặt trong chặng đường phát triển của ngành đó là Luật DTQG đã được thông qua ngày 20/11/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII với 99,8% số phiếu tán thành. Cùng với đó, công tác qui hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG, Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 cũng được Bộ Tài chính chỉ đạo xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Luật DTQG ra đời là dấu mốc quan trọng của giai đoạn phát triển bền vững của Ngành DTNN; là văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao nhất điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực DTQG; là một dấu ấn lịch sử trong quá trình không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về DTQG; là cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động DTQG ngày càng ổn định, phát triển.

Đến nay, quy mô DTQG từng bước được tăng dần theo lộ trình thực hiện chiến lược phát triển DTQG đạt ở mức 0,5% GDP. Các mặt hàng DTQG như: lương thực và xăng dầu đạt tỷ lệ cao, các mặt hàng quốc phòng, an ninh được đầu tư mua sắm theo hướng tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; các mặt hàng thuốc vacxin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy…

Lượng tồn kho đủ để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên khi có sự cố xảy ra giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản, kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, sớm khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng an ninh, tham gia bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, điều tiết vĩ mô nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ quốc tế.

Bệ phóng của chặng đường phát triển bền vững

Có thể nói, kể từ ngày thành lập đến nay, tuy mỗi giai đoạn phát triển có tính chất, đặc điểm và yêu cầu khác nhau nhưng nhờ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ; sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan Trung ương và địa phương, của Bộ Tài chính; sự hợp tác của các cơ quan, đơn vị có liên quan và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các thế hệ CBCC, viên chức, người lao động ngành DTNN qua các thời kỳ đã vững vàng từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Do đặc điểm và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử, tổ chức và hoạt động của ngành DTNN đã có nhiều thay đổi, nhưng dù ở thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, ngành DTNN luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hoạt động của ngành đã góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo trong đấu tranh chống đế quốc xâm lược cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, ngành DTNN vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập Hạng nhất (lần thứ hai) - phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Đây không chỉ là thành quả, là niềm vinh dự của các thế hệ hôm nay mà đó chính là thành quả được xây dựng và kết tinh từ nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức - người lao động trong ngành DTNN qua các thời kỳ.

Phạm Phan Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/du-tru-nha-nuoc-60-nam-lang-tham-cong-hien-86927.html