Dự trù chi gần 10 ngàn tỷ đồng, 2018 TP.HCM sẽ... hết ngập (?)

Tháng 6 vừa qua, TP.HCM đã khởi công xây dựng 6 cống ngăn triều lớn gồm: Cống Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 68 cống ngăn triều nhỏ, gần 7 km đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn, nhằm chống ngập cho khu vực trung tâm TP.HCM.

Một dự án, nhiều... hy vọng

Dự kiến các công trình cống ngăn triều chống ngập này sẽ hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Vốn cho các công trình này là 9.850 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ nguồn cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Công trình được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao); tiến độ thực hiện từ năm 2016-2018. Các cống này, có quy mô bề rộng cống từ 40-160 m. Đồng thời, sẽ xây một trạm bơm tại cống Bến Nghé, công suất 12 m3/giây; một trạm bơm tại cống Tân Thuận, công suất 24 m3/giây và một trạm bơm tại cống Phú Định, công suất 18 m3/giây. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ xây đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến Sông Kinh - giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 7,8 km, và 25 cống nhỏ có khẩu độ 1-10 m từ sông Vàm Thuật đến Mương Chuối. Địa điểm xây dựng các công trình trên nằm ở các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 100 ha. Dự án cần giải tỏa hơn 300 hộ dân với hơn 1.500 người phải di dời.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố (TP), đồng thời giúp điều tiết hạ mực nước ở các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường. Một điểm đáng chú ý là khi dự án này đi vào hoạt động, tàu thuyền vẫn bảo đảm qua lại bình thường thông qua van cửa khoang và âu thuyền. Hệ thống này sẽ tạo thành một tuyến đê bao, cống ngăn triều khép kín chống ngập cho toàn bộ nội thành TP.HCM, giúp xóa ngập triệt để 31 điểm ngập cho khu vực trung tâm. Hiện, chính quyền TP đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn để trong năm 2016 tiếp tục xây thêm hai cống ngăn triều lớn khác là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên.

Một đại diện của Tập đoàn Trung Nam, đơn vị thi công hệ thống cống ngăn triều cho biết: Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án sẽ thực hiện trong vòng 36 tháng nhưng nhà đầu tư cố gắng xây dựng trong vòng 24 tháng, thời gian còn lại sẽ dành để vận hành thử. Đơn vị thi công cũng cam kết dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết triệt để ngập do triều ở khu vực dự án, còn giải quyết được ngập trong đô thị hay không thì còn phải có sự đồng bộ của hệ thống thoát nước từ bên trong đưa nước ra kênh rạch để bơm ra sông lớn.

TP.HCM lâu nay bị ngập có nguyên nhân do mưa tần suất lớn hơn, triều cường xâm nhập nội thành qua các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ thông qua 9 cửa sông lớn và 68 cửa kênh rạch nhỏ khiến thoát nước khó khăn. Do vậy, giải pháp căn cơ vẫn là xây dựng các cống ngăn triều, đê bao và cải tạo hệ thống thoát nước nội thành mới hy vọng giúp chống ngập triệt để. “Nếu hệ thống bơm và đê ngăn được triều, nhưng khi mưa lớn nước không chuyển ra kênh rạch để hệ thống bơm hoạt động thì trách nhiệm về năng lực vận hành sẽ không thuộc dự án này” - vị đại diện cho biết.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước thuộc Chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: Nếu TP có mưa lớn và triều cao như vừa qua, thì vẫn còn khả năng bị ngập nặng nữa. Trong các giải pháp “thoát ngập” mà ông Long đề cập, không có giải pháp nào giải quyết tức thời được tình trạng ngập, nên trong vài ngày tới, nếu mưa lớn vẫn tiếp diễn, người dân TP sẽ phải tiếp tục “vật lộn” với nước ngập và kẹt xe. Các giải pháp chống ngập dài hơi mà ông Long nói cũng không có gì mới so với kế hoạch trước đó của TP.HCM là xây đê bao, nâng cấp tuyến cống cũ, xây hồ điều tiết. “Theo mục tiêu đề ra, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục giải quyết ngập cho trung tâm TP diện tích 100 km2, mở rộng ra một phần 5 vùng ngoại vi như: Quận 5, 9, 12, Thủ Đức thêm diện tích 550 km2 nữa. Sau năm 2020 mới tiếp tục mở rộng chống ngập ra toàn TP ở các quận ngoại thành như Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ”.

Vị trí các cống ngăn triều đang được thi công.

Coi chừng... ngập nợ

Để thực hiện dự án, Tập đoàn Trung Nam đã đề xuất sẽ vay tiền từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, BIDV lại ra điều kiện TP.HCM phải đứng ra bảo lãnh cho nhà đầu tư thì mới cho vay. Trước các đề xuất này, Sở Tài chính TP.HCM phân tích: “Với tổng mức đầu tư tạm tính khoảng 8.000 tỷ đồng (chưa tính kinh phí đền bù, giải tỏa) và thời gian xây dựng trong hai năm, nếu thực hiện theo đề nghị của BIDV, nghĩa là nhà đầu tư vay và ngân sách TP trả, trung bình mỗi năm TP phải trả hơn 3.000 tỷ đồng. Việc này vượt quá khả năng cân đối ngân sách của TP.HCM”.

Theo Sở Tài chính, việc BIDV yêu cầu TP bảo lãnh vay, bảo đảm trả nợ cho nhà đầu tư là không phù hợp với quy định. Mặt khác, nhà đầu tư (theo gợi ý của BIDV là Tập đoàn Trung Nam) là doanh nghiệp cổ phần, có tư cách pháp nhân và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nên nhà nước không thể bảo lãnh vay. Ngoài ra, nếu TP vay và trả nợ thay cho Tập đoàn Trung Nam thì trong ba năm (từ năm 2018 đến 2020) bình quân mỗi năm ngân sách TP phải bố trí hơn 3.000 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi) để trả cho BIDV. “Trong khi đó, hằng năm, sau khi đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên thì ngân sách của TP.HCM chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng để bố trí vốn chi xây dựng các công trình (với nhu cầu lên đến 35.000 tỷ đồng), nên việc bố trí đến 3.000 tỷ đồng chỉ để trả nợ cho dự án là không phù hợp” - một cán bộ Sở Tài chính phân tích thêm.

Phối cảnh một số cống ngăn triều đang được xây dựng.

Nguyên Quốc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/du-tru-chi-gan-10-ngan-ty-dong-2018-tphcm-se-het-ngap-d48112.html