Dự thi môn khoa học xã hội tăng đột biến - mừng hay lo?

Ngày 20.4 là thời hạn cuối cùng để thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017. Từ dữ liệu tổng hợp ban đầu, đã có sự “đảo chiều” đáng chú ý về số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội (KHXH). Đặc biệt, từ vị trí cuối bảng, lịch sử bất ngờ trở thành môn học được nhiều thí sinh (TS) đăng ký nhất trong bài thi KHXH. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dấu hiệu này là đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo.

Điểm thi tại Trường ĐHBK Hà Nội năm 2016. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Trên 50% số thí sinh chọn thi bài thi khoa học xã hội

Nhiều năm trước cứ mỗi lần đến mùa thi thì dư luận xã hội lại băn khoăn việc có ít thí sinh chọn thi các môn xã hội. Nhiều phòng thi chỉ có một vài TS thi môn sử hay môn địa khiến xã hội lo lắng. Nhưng kết quả ĐKDT năm nay đã cho thấy bức tranh hoàn toàn khác: TS chọn bài thi KHXH cao hơn bài thi KHTN mặc dù khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ khối ngành tự nhiên vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với khối ngành xã hội.

Theo số liệu tính tới 17 giờ ngày 20.4, theo thống kê cả nước có 859.835 TS ĐKDT; có 643.151 (74,8%) TS đăng ký xét tuyển và 79.714 (9,27%) TS tự do. Trong đó, cụ thể tỉ lệ chọn bài thi KHTN là 321.451 (37,39%); tỉ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH là 417.334 (48,54%); số thí sinh chọn cả hai bài thi là 71.046 (8,26%).

Hiện theo thống kê, đang có 620.260 hồ sơ ĐKXT được nhập lên hệ thống, đạt 96,44% so với số ĐKXT. Trong đó NV1: 620.260 (100%); NV2: 537.054 (86,59%); NV3: 433.612 (69,91%); NV4: 312.035 (50,31%); NV5: 214.288 (34,55%) và nguyện vọng còn lại là 368.320 (59,38%).

Lý giải về việc tăng số lượng TS đăng ký dự thi môn KHXH, Bộ GDĐT nhận định: Các năm trước, chủ yếu TS chỉ chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển ĐH. Do tổ hợp truyền thống toán - lý - hóa (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn - sử - địa (khối C cũ), nên số TS ĐKDT các môn KHTN cao vượt trội so với các môn KHXH. Tuy nhiên, với phương án thi năm 2017 có xuất hiện các bài thi tổ hợp, quy chế cho phép TS được lựa chọn một trong hai bài thi, nhưng cũng có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp. Với quy định như vậy, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển vào ĐH, TS cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận
tốt nghiệp.

Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng máy móc cũng giúp cho TS ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, năm nay các trường cũng đề ra các tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn KHXH cũng tạo điều kiện cho TS có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn. Đó chính là những lý do số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH tăng lên, Bộ GDĐT cho hay.

Vẫn tiềm ẩn những nỗi lo

Đặc biệt trong đợt ĐKDT năm nay phải kể đến cuộc “lội ngược dòng” của môn lịch sử. Từ vị trí cuối bảng, lịch sử bất ngờ trở thành môn học được nhiều TS đăng ký nhất trong bài thi KHXH. Trước đó, năm 2015, chỉ 15,3% tổng số TS ĐKDT môn lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia. Thậm chí, trong năm 2016, nhiều hội đồng thi trên cả nước rơi vào tình trạng “trắng” TS chọn lịch sử.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên dạy môn lịch sử, tỉ lệ TS chọn lịch sử nhiều là tín hiệu đáng mừng. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến sự “xoay chiều” trong lựa chọn của TS được nhận định là do việc môn lịch sử được chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm. Phần lớn học sinh có quan điểm rằng, chọn môn lịch sử sẽ dễ kiếm điểm hơn và tránh nguy cơ bị điểm liệt. Bên cạnh đó, với sự thay đổi tổ hợp xét tuyển vào các ngành công an cũng là nhân tố khiến môn lịch sử được lựa chọn nhiều hơn.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên môn lịch sử Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - nêu quan điểm: Việc nhiều TS chọn môn lịch sử vừa đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nỗi lo hơn, bởi lẽ số lượng TS chọn nhiều môn lịch sử không hẳn đã đồng nghĩa việc thí sinh yêu lịch sử hơn hay học giỏi sử mà chọn. Việc đảo chiều này cũng chỉ mới xuất hiện gần đây khi các địa phương tổ chức thi thử THPT quốc gia và kết quả cho thấy bài thi KHXH dễ đạt điểm cao hơn bài thi KHTN. Cách lựa chọn này mang tính chất thực dụng, chủ yếu có xu hướng phục vụ thi cử.

“Không chỉ riêng môn lịch sử mà nói chung với môn KHXH thì việc số lượng TS đột ngột tăng cao là do hệ quả học theo lối ứng thi, đối phó hiện nay. Trước kia là học gì thi nấy, còn bây giờ là thi gì học nấy. Đây chỉ là phần nổi trong chốc lát và sẽ thay đổi nếu phương thức thi thay đổi. Cái chúng ta cần cố gắng nỗ lực thay đổi là tư duy và nhận thức của học sinh, của xã hội về các môn KHXH” - thạc sĩ Hiếu phân tích.

Nhận định về số lượng TS ĐKDT các môn KHXH tăng chưa nói lên về sở thích học tập của các TS, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng: Việc lựa chọn bài thi KHXH tăng cao, do có nhiều TS chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp nên bài thi KHXH sẽ dễ dàng ăn điểm. Do đó, số lượng TS đăng ký thi KHXH tăng là điều dễ hiểu.

Với bất cứ cách thi nào thì cũng đều có những hạn chế, vì vậy cũng không nên quá đòi hỏi về sự hoàn thiện. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng cho biết để khắc phục được việc học sinh chỉ học các nội dung sẽ thi thì phải trả đánh giá kết quả về cho các trường để tự dạy học sinh, tự đánh giá một cách khách quan, dạy học đến đâu thi đến đó luôn.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/du-thi-mon-khoa-hoc-xa-hoi-tang-dot-bien-mung-hay-lo-657809.bld