Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi): Sẽ thêm đối tượng được hưởng ưu đãi

Chiều 21-11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Dự kiến Pháp lệnh ưu đãi với người có công với cách mạng được xây dựng trên cơ sở gộp 3 pháp lệnh hiện hành với người có công. Rất nhiều mục tiêu mang tính nhân văn được đề ra dành sự quan tâm đặc biệt với những người có công với đất nước.

Nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính

tránh gây khó dễ cho đối tượng thụ hưởng chính sách

Ảnh: Hoàng Long

Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách

Theo ban soạn thảo dự thảo pháp lệnh, hiện nay quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với một số điểm chưa thật cụ thể, chính xác, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay mới chỉ quy định chung là "dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”, "dũng cảm đấu tranh chống tội phạm”... chưa xác định rõ tính chất, mức độ của hành động... Bên cạnh đó chế độ ưu đãi có nội dung không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Ví dụ như thời điểm hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ và trợ cấp tuất cho thân nhân của thương binh nặng, bệnh binh nặng từ trần chưa thống nhất. Quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng thực hiện chính sách ưu đãi xã hội chưa kịp thời, đầy đủ và rõ ràng. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực xã hội còn chưa cụ thể, có nội dung mâu thuẫn với qui định pháp luật khác.

Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo dự thảo Pháp lệnh mới này, chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được bổ sung theo hướng Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình thì có người phục vụ. Người phục vụ được hưởng trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chế độ này sẽ được áp dụng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, sống cùng gia đình.

Cụ thể hơn trong chế độ, chính sách

Muốn dành sự quan tâm đặc biệt với những người có công với cách mạng cần có hành động cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng đề xuất. Theo ông Hùng, cần tìm ra những nguyên nhân, hạn chế của việc thực thi chính sách liên quan đến chế độ ưu đãi với người có công thời gian qua. Thực tế, khi đi cơ sở vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc trong thực hiện những chính sách liên quan đến người có công. Thứ nhất, là khâu đánh giá đúng đối tượng. Chẳng hạn, trong chiến tranh thì "giặc đến nhà, đàn bà, trẻ con đều đánh”, vậy mà khi xét đối tượng người có công lại quy định độ tuổi. Vậy phải đến tuổi nào các cháu được đưa vào đối tượng là người có công? Thứ 2, về điều kiện tiêu chuẩn quy trình xét duyệt còn nhiều vướng mắc. Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều quy định mang tính định tính, nên rất khó khi xét đối tượng có phải là người có công hay không? Chẳng hạn đối tượng là người có công nếu có hành động dũng cảm, vậy thế nào là hành động dũng cảm thì không được quy định một cách cụ thể. Thứ 3, vướng mắc trong thực hiện chính sách với người có công nằm ở mức và nội dung được hưởng chính sách ưu đãi. Điều đó được thể hiện rất rõ khi so sánh các mức nhận ưu đãi trong nội bộ những người được thụ hưởng chính sách. Thực tế đã có sự vênh nhau giữa chính những đối tượng nhận chính sách. Có những đối tượng cùng một lúc hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, trong khi những đối tượng khác lại chỉ nhận được một chính sách hoặc chưa được hưởng chính sách...

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, đại diện Bộ Tư pháp ông Đinh Trung Tụng cũng cho rằng: Cần quy định chi tiết cụ thể hơn đối tượng được xét duyệt là người có công, tránh tình trạng có pháp lệnh nhưng cơ sở áp dụng khó và khó thực hiện. Đặc biệt cần nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính tránh gây khó dễ cho đối tượng thụ hưởng chính sách.

Lục Bình

Cuối năm 2012, một số đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng

Theo dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), thân nhân liệt sĩ sẽ được nhận trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; con liệt sĩ từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng tiền tuất vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Dự thảo cũng quy định, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày sẽ được trợ cấp hàng tháng đối với người đang không hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước hoặc bảo hiểm xã hội. Ông Hoàng Công Thái cho biết, phương án bố trí ngân sách tăng thêm từ ngân sách cho các đối tượng này đã được xét duyệt. Theo đó, cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 sẽ áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=42537&menu=1366&style=1