Dự thảo Luật về Hội nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh vụ lợi

Một số điều chỉnh, thay đổi trong dự thảo Luật về Hội nhằm đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí, tránh tình trạng vụ lợi trong việc thành lập, hoạt động Hội.

Ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (22/9), ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội - đã trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật về Hội.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức nhiều buổi làm việc, tham dự các hội thảo, tọa đàm khoa học, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn góp ý về dự thảo Luật. Kết cấu của dự thảo có sự thay đổi từ 8 chương với 36 điều thành 7 chương với 44 điều. Bản báo cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để làm cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Trong đó, đáng chú ý là những phạm vi điều chỉnh như: luật quy định về lập Hội, tổ chức, đăng ký và quản lý hoạt động của cá nhân nước ngoài, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; quy định về ngân sách, kinh phí hoạt động, hỗ trợ đối với các hội, tổ chức; điều kiện thành lập Hội và lĩnh vực, phạm vi hoạt động...

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng nêu ra thay đổi ở chương riêng quy định về việc thành lập Hội không đăng ký, nhằm đảm bảo tôn trọng và cụ thể hóa quyền lập hội của công dân, đồng thời bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại Hội này. Theo đó, dự thảo có nêu ý kiến cần phải bổ sung trách nhiệm của hội không đăng ký trong việc thông báo bằng văn bản về thành lập Hội và người đại diện theo ủy quyền của các hội viên với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá bản báo cáo giải trình thuyết phục với những lập luận rõ ràng. Bà khẳng định: "Đây không phải những vấn đề bây giờ mới bàn mà đã được bàn nhiều lần. Tôi thấy qua Luật này, chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với việc giải quyết các vấn đề đang diễn ra, trong đó có các vấn đề mang tính lịch sử. Mặt khác, chúng ta nêu ra cả quy định cấm trong dự thảo Luật để đảm bảo tôn chỉ, mục đích, không để việc lập hội bị lợi dụng cho mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phương hại đến chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hay lợi dụng việc lập hội để vụ lợi".

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân còn nhấn mạnh: "Trên thực tế, nhiều Hội đăng ký không thực hiện đúng quy định. Nhiều Thứ trưởng về hưu là lại lập hội, xin tiền, xin xe, xin đủ thứ, thậm chí còn xin ngân sách, biên chế. Trong khi đó, nguyên tắc lập hội là tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí. Kỳ này, chúng ta đưa ra Luật để giữ nguyên tắc như vậy. Còn khi các hội có hoạt động nhà nước giao nhiệm vụ mới cần được hỗ trợ, chứ không thể cứ thành lập hội rồi lại xin kinh phí".

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cũng đánh giá đây là dự thảo Luật quan trọng: "Dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và người dân. Việc ra Luật này nhằm đảm bảo quyền công dân trong việc lập hội, đồng thời đảm bảo sự quản lý của nhà nước với việc lập hội. Quốc hội quyết định xây dựng Luật về hội để thay thế cho các văn bản trước đây. Quan điểm xây dựng Luật về hội để đảm bảo phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về lập hội, tuân thủ Hiến pháp, qua đó đảm bảo công khai, minh bạch và tránh vụ lợi trong việc thành lập, hoạt động Hội".

Nguồn VTV: http://vtv.vn/trong-nuoc/du-thao-luat-ve-hoi-nham-dam-bao-cong-khai-minh-bach-tranh-vu-loi-20160922150035943.htm