Dự thảo Luật về Hội làm 'nóng' nghị trường

Bởi tầm quan trọng của dự thảo, ngày 25.10, ngày làm việc thứ 5 của kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đã dành trọn vẹn một ngày để thảo luận về Dự thảo Luật về Hội. Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau về các điều, khoản trong Dự thảo vốn còn quá nhiều vấn đề chưa được thống nhất, cần thiết phải có sự cân nhắc, xem xét trước khi thông qua, nhằm hướng đến xây dựng một bộ Luật hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn.

Cơ quan soạn thảo “xin lùi” thời gian thông qua Luật

Đúng như đánh giá của đại biểu Dương Trung Quốc trong lịch sử lập pháp, dự thảo Luật về Hội là một trong những đạo luật được “nâng lên đặt xuống nhiều nhất”: Đứng trước một đạo luật khó thế này, chúng ta vẫn ở trong tâm thế bất ổn, làm luật để phát triển hay giữ sự an toàn? Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ông rất mong là đạo luật này càng sớm đưa vào thực tiễn càng tốt, nhưng ông cũng đồng quan điểm với nhiều đại biểu, với nhiều ý kiến khác nhau như hiện nay thì có lẽ chưa thể thông qua trong kì họp Quốc hội lần này vì có quá nhiều điều chưa thống nhất được.

Ngày làm việc thứ 5, kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV xem xét về Dự thảo Luật về Hội

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận cũng cho rằng, Luật về Hội đã được chỉnh lý, tiếp thu nhiều ý kiến, tuy nhiên do thời gian gấp nên việc chỉnh lý và tiếp thu các ý kiến để thể hiện trong dự thảo còn chưa thấu đáo, vẫn còn nhiều quy định chưa đảm bảo sự nhất quán các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước nhất là những vấn đề có quy định nhưng chưa phù hợp với thực tế. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng cần có thêm thời gian chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật nên chưa thông qua dự án luật về hội trong kỳ họp thứ 2 này. Nội dung của dự thảo luật còn những vấn đề chưa được làm rõ các quy định khi được ban hành khó thực thi trong thực tế thì việc kéo dài thêm một thời gian để hoàn chỉnh là cần thiết.

Ông Lê Vĩnh Tân – Bộ trưởng Bộ Nội vụ xin lùi thời gian thông qua Luật về Hội

Đặc biệt, trong phát biểu tổng kết và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu quốc hội, thay mặt ban soạn thảo Dự thảo Luật về hội, ông Lê Vĩnh Tân- Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có ý kiến xin lùi thông qua dự Luật này để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh. Ông khẳng định: Cần có Luật về Hội để thực hiện quyền cơ bản của công dân. Nhiều nội dung được các ĐBQH phát triển có chính kiến rõ ràng, nhiều nội dung mới để phát triển hội tốt hơn. Các ý kiến đóng góp xác đáng, phù hợp với xu hướng, tạo điều kiện cho hội phát triển phù hợp với Hiến pháp 2013. Sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề các đại biểu còn băn khoăn. Còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng tình cao, đặc biệt là các vấn đề quan trọng từ điều 4 – 12. Cơ quan soạn thảo đề nghị có thời gian nghiên cứu cho thật chu đáo, đầy đủ để có sự đồng thuận cao trước khi thông qua Luật về Hội.

Cần sửa đổi một số điều cho phù hợp

Có lẽ, kể từ khai mạc kì họp thứ 2 Quốc Hội khóa XIV đến nay đã có khoảng 4 điều luật được xem xét tại nghị trường nhưng Luật về Hội là dự luật có nhiều ý kiến góp ý, bổ sung, chỉnh sửa nhất.
Nhiều ý kiến thảo luận hơn cả là về điều 8, khoản 5 của Luật về Hội quy định “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – TP Hà Nội cho rằng: Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội ở Điều 8 Khoản 5, hội không liên kết gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Chúng tôi thấy ở Khoản 5 nằm trong Điều 8 hơi bị khiên cưỡng. Vì ở đây là liên kết nhận tài trợ chứ không phải lập hội. Ông phân tích: Quy định như vậy làm chúng ta không có điều kiện để thể hiện vai trò của hội, của cá nhân, của đất nước Việt Nam đối với quốc tế. Quy định như vậy làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện v.v… Ông cũng nhấn mạnh thêm: Cần soạn thảo luật đủ để hạn chế những hoạt động phá hoại của đất nước, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, nhưng cũng phải rộng mở để các hội ở Việt Nam được hội nhập, được tỏa sáng và tận dụng được nguồn lực chân chính từ quốc tế.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – TP. HCM cho rằng: Tôi thấy Dự thảo Luật lần này hoàn toàn loại bỏ yếu tố nước ngoài… Từ khoản 5, điều 8 quy định không liên kết, không nhận tài trợ nước ngoài; khoản 3 điều 16; khoản 6, điều 22. Điều 26… chỉ giới hạn trong nước. Đây là vấn đề, quy định, quan điểm không phù hợp với xu thế hội nhập phát triển hiện nay, không phù hợp với chủ trương của Đảng trong quan hệ ngoài giao, đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới những hội nghề nghiệp chuyên môn, nhất là lĩnh vực y tế và nhân đạo…Tại sao Hội lại bị giới hạn điều này trong khi các tổ chức khác thì không? Tôi đề nghị, dự thảo Luật cần được nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh kĩ hơn trước khi thông qua, bỏ tư duy không quản được thì cấm. Làm sao khi áp dụng Luật mới thì Hội có sự hoạt động hiệu quả, tập hợp được quần chúng, khắc phục được căn bệnh hình thức, phát huy tinh thần tự quản, khẳng định là kênh giám sát hỗ trợ cho quản lý Nhà nước trong xã hội ngày càng phát triển…

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại nghị trường

Các vấn đề được đưa ra thảo luận chủ yếu xoay quanh đối tượng được thành lập Hội, phạm vi điều chỉnh, cơ chế hoạt động tài chính, đối tượng hạn chế thành lập Hội, quyền của Hội… 49 ý kiến đại biểu quốc hội tham gia trong hội trường đều là những ý kiến tâm huyết, sắc bén. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, cần có Luật về Hội để việc thành lập và hoạt động Hội thuận lợi. Hầu hết các ý kiến đều mang tính xây dựng, góp ý, cần cân nhắc thời điểm thông qua Dự thảo Luật. Các ý kiến đều sát, phù hợp, mong muốn tạo điều kiện hoạt động tốt hơn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, sau đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH cũng như của các cơ quan hữu quan gửi đến Quốc hội. Đồng thời, sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tinh thần phải chuẩn bị có một luật tốt về Hội, bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của nhân dân và yêu cầu quản lý nhà nước.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/du-thao-luat-ve-hoi-lam-nong-nghi-truong/