Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều quy định tiến bộ

Đại biểu Quốc hội đánh giá, so với Pháp lệnh trước đây thì dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều quy định tiến bộ hơn.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn đại biểu Quảng Bình, đồng tình với tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời góp ý vào quy định tên gọi không được trùng với tên gọi tổ chức đã đăng ký hoạt động tôn giáo, tên các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tên các danh nhân, tên anh hùng dân tộc.

Ông Cường cho rằng hiện nay chưa có định nghĩa chính xác về tên danh nhân, chưa có quy định danh sách danh nhân… nên có thể đây là điểm khó khăn khi thực hiện.

“Bên cạnh đó cần cấm hơn đó là đặt tên trùng với tên nhân vật phản diện, phản chính nghĩa, có tội với đất nước, dân tộc”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh và kiến nghị cần cấm đặt tên tổ chức theo hướng vi phạm truyền thống lịch sử văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đại biểu Thích Thanh Quyết nêu ý kiến về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo

Đánh giá cao những điểm tiến bộ trong dự thảo luật, Đại biểu Thích Thanh Quyết – Đoàn Quảng Ninh cho biết, nhiều cơ chế xin - cho trước đây được thay thế bằng hình thức đăng ký thông báo; Việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã dễ dàng, thuận lợi hơn. Luật có chương riêng quy định về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người và xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, góp phần cho các tổ chức tôn giáo hội nhập quốc tế dễ dàng hơn, từ đó tạo sự tin tưởng phấn khởi.

"Đây là một quy định hết sức nhân văn và đáng khen ngợi. So với pháp lệnh thì dự án luật có nhiều điều tiến bộ hơn" - đại biểu Thích Thanh Quyết nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đại biểu Thích Thanh Quyết cho rằng còn một số nội dung quy định còn khá chi tiết và nên để Nghị định của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết, như một số thủ tục hành chính...

Đối với thời gian để công nhận các tổ chức tôn giáo, có ý kiến cho rằng cần quy định 10 năm thay vì 5 năm.

Ở góc độ khác, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cần thiết phải có một bộ máy cơ quan nhà nước về quản lý tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp, đủ năng lực đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quy định theo luật và yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Riên - Đoàn Bình Dương thì đánh giá, dự thảo luật là cần thiết, mở ra cho các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, chăm lo giáo sức khỏe cộng đồng theo quy định của pháp luật.

"Chiếu theo pháp lệnh năm 2004 thì hoạt động giáo dục từ thiện được nhà nước khuyến khích thì này trong luật những điều này đã là quyền. Đây là quy định đúng đắn thể hiện sự bình đẳng" - đại biểu nêu ý kiến.

Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự án luật tín ngưỡng và tôn giáo được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và khắc phục những tồn tại, góp phần để tín ngưỡng tôn giáo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Với ý kiến của đại biểu về việc quy định tên của các tổ chức tôn giáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, mặc dù chưa có sự thống nhất về danh sách danh nhân, nhưng thực tế không có việc lợi dụng tên của những người có công với đất nước, với dân tộc để lôi kéo nhằm trục lợi. Ban soạn thảo vẫn giữ nguyên quan điểm như dự thảo.

Với ý kiến cho rằng sau khi đăng ký thì cần công nhận tổ chức tôn giáo luôn, có ý kiến thì sau 10 năm mới công nhận, ban soạn thảo giữ nguyên như dự thảo và theo đúng nguyện vọng đa số tổ chức tôn giáo là 5 năm….

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến góp ý về dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo về quy định liên quan đến Luật tạm giữ, tạm giam; cơ cấu tổ chức tôn giáo; quy định rõ giấy tờ chứng minh địa điểm hợp pháp; thủ tục hành chính để... chỉnh sửa cho phù hợp./.

Việt Đức/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/du-thao-luat-tin-nguong-ton-giao-co-nhieu-quy-dinh-tien-bo-563049.vov