Dự thảo Luật Quy hoạch: Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi chúng ta bãi bỏ được một số quy hoạch ngành, toàn bộ các quy hoạch về sản phẩm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Dự thảo Luật Quy hoạch đã đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành. Ảnh: Tường Lâm

Đây là điểm rất mới, rất cách mạng của Dự thảo Luật Quy hoạch lần này - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trong phiên thảo luận của Quốc hội về Dự Luật này diễn ra cuối tuần qua.

Sẽ không còn những bản quy hoạch “cười ra nước mắt”

Đã có rất nhiều quy hoạch sản phẩm được lập ra, như quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương, quy hoạch sản xuất thuốc lá và mạng lưới buôn bán thuốc lá, quy hoạch cá tra, cá rô phi, quy hoạch trồng hồ tiêu, trồng cà phê tầm nhìn 2030, thậm chí quy hoạch cả quán karaoke…

Thực tế đã có những bản quy hoạch sản phẩm nhân danh quản lý nhà nước nhưng sinh ra chỉ để tạo kẽ hở, mảnh đất màu mỡ cho xin – cho, mà không hề có tác dụng gì đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận về Dự thảo Luật Quy hoạch, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc bỏ các quy hoạch sản phẩm đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành - đoàn Lạng Sơn, Chính phủ cần khẩn trương bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm đang gây cản trở khó khăn cho hoạt động sản xuất đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đây chính là nội dung quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp quản lý nếu bỏ quy hoạch sản phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề này hoàn toàn là do thị trường quyết định, Nhà nước phải đảm bảo được một nhiệm vụ là cung cấp được các thông tin dự báo phân tích, đánh giá, định hướng cho người dân và doanh nghiệp, còn quyết định đầu tư là của nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch. “Sản phẩm hàng hóa hoàn toàn do thị trường, do cung - cầu quyết định”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Cần thiết có quy hoạch tổng thể quốc gia

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật Quy hoạch đã mạnh dạn đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, đảm bảo tính nhất quán, khắc phục tình trạng chia cắt giữa các ngành, các địa phương và cả nước. Các quy hoạch xây dựng như hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vẫn được bộ quản lý chuyên ngành lập và tích hợp vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất rất cao với nguyên tắc tích hợp các loại quy hoạch trong dự Luật để tránh sự không đồng bộ giữa các quy hoạch.

Vấn đề còn gặp phản ứng nhiều nhất thời gian qua là quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch khu chức năng đặc thù trong hệ thống quy hoạch. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với quy hoạch xây dựng và quy hoạch khu chức năng đặc thù, hiện nay theo quy định tại Luật Xây dựng gồm 4 nội dung là: quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù và quy hoạch nông thôn. Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng: hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vẫn được bộ quản lý chuyên ngành lập và tích hợp vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về ý kiến không cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia vì đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, công cụ để hoạch định phát triển ở Việt Nam bao gồm: Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch. Quy hoạch giữ vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, đồng thời để cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Sự khác biệt của quy hoạch so với chiến lược và kế hoạch chính là tổ chức không gian phát triển trên lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam đã có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia nhưng không có quy hoạch tổng thể quốc gia đã dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia. Do vậy, cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Hà Nội

Cần sớm thông qua Luật Quy hoạch bởi vì quy hoạch tự nó đã tạo nên một sức mạnh vô cùng lớn. Thực tế đã chỉ ra rằng Chính phủ chỉ cần công bố một bản quy hoạch tốt thì có thể biến cả một vùng hoang mạc trở thành thành phố du lịch rất sầm uất, nhộn nhịp hoặc những vùng đồi gò trở thành những khu công nghiệp phát triển; ngược lại nếu quy hoạch sai cũng có thể tạo ra sự tàn phá rất ghê gớm mà chúng ta chứng kiến có khi cả một khu phố phá đi tốn kém hàng ngàn tỷ chỉ đổi lấy mấy trăm mét đường.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn Thái Bình

Việc ban hành Luật Quy hoạch với rất nhiều quan điểm mới, tiến bộ như quy hoạch tích hợp, xóa bỏ quy hoạch sản phẩm. Doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào một đạo luật có thể xóa bỏ được những rào cản về đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định tại Dự thảo mới thì quy hoạch xây dựng cho các khu chức năng đặc thù vẫn còn tồn tại và việc lập thẩm định, phê duyệt nội dung này lại theo pháp luật xây dựng chứ không theo Luật Quy hoạch. Đề nghị cần chỉnh lý Dự thảo theo đúng tinh thần Luật Quy hoạch phải là đạo luật chung điều chỉnh tất cả các quy hoạch, bỏ quy định về việc áp dụng pháp luật xây dựng tại các Khoản 3, Điều 27 và Khoản 3, Điều 28.

Nguyệt Giang

Nguyệt Giang

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/du-thao-luat-quy-hoach-dam-bao-quyen-tu-do-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-41667.html