Dự thảo Luật quản lý ngoại thương: Điển hình của 'luật khung, luật ống'

Ngày 7-11, dự thảo Luật quản lý ngoại thương đã bị nhiều đại biểu Quốc hội “chê” vì nhiều điểm bất hợp lý, ôm đồm nhưng điểm cốt lõi lại quy định chung chung, và là điển hình của tình trạng “luật khung, luật ống”.

Nên sửa luật Thương mại thay vì ban hành Luật quản lý ngoại thương

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu ra khá nhiều điểm bất hợp lý khi xây dựng Luật quản lý ngoại thương. Luật quá đề cao quản lý của nhà nước, đi ngược lại với quan điểm của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ chuyển từ quản lý là chủ đạo sang phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ yếu.

Bất hợp lý thứ hai là tách phần quản lý nhà nước về ngoại thương ra khỏi Luật thương mại để điều chỉnh trong Luật quản lý ngoại thương. Trong khi đó Luật thương mại vẫn điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế giữa các thương nhân với nhau có phần khiên cưỡng và không phù hợp với logic và kỹ thuật lập pháp truyền thống.
Thay vì xây dựng luật này, đại biểu cho rằng cần thiết phải sửa đổi căn bản Luật thương mại 2005 cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, chủ yếu sửa phần quản lý nhà nước về ngoại thương.

Đại biểu Xuyền cho rằng, nên tách riêng Chương IV của dự thảo Luật về phòng vệ thương mại thành một luật riêng về phòng vệ thương mại của Việt Nam, như vậy sẽ đảm bảo được tinh thần của Chính phủ hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng Luật thương mại năm 2005 điều chỉnh hoạt động thương mại được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với đối tượng là thương nhân và các tổ chức. Như vậy, Luật thương mại bao gồm nội thương, ngoại thương và các dịch vụ.

“Trong chuỗi sản phẩm hàng hóa ngày nay mỗi nước thường đảm nhiệm một khâu trong sản xuất dịch vụ, Luật quản lý ngoại thương tách chuỗi sản xuất hàng hóa này để quản lý là chưa phù hợp với xu thế nền kinh tế toàn cầu”.

Đại biểu Nhường đề nghị để điều chỉnh hoạt động ngoại thương thì nên sửa đổi, bổ sung Luật thương mại năm 2005, nâng lên thành bộ luật cho phù hợp với xu thế thương mại toàn cầu.

Nên sửa tên thành Luật ngoại thương

Nhiều đại biểu cho rằng, tên gọi Luật quản lý ngoại thương không phù hợp với nội dung của luật này, và nên sửa tên thành Luật ngoại thương. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng bản thân của nội hàm điều luật không chỉ quy định về quản lý nhà nước, còn có các biện pháp phát triển ngoại thương. Vì vậy, điều luật cần đổi tên là Luật ngoại thương, đồng thời phải bổ sung thêm các nội dung về biện pháp phát triển ngoại thương một cách sâu sắc và rõ ràng hơn.

Đại biểu Xuyền cũng băn khoăn tên gọi là Luật quản lý ngoại thương nhưng nội hàm trong luật thực chất là quản lý nhà nước về ngoại thương, hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Trong nội dung của luật cũng không hoàn toàn điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương mà có cả điều chỉnh hoạt động thương mại xuất nhập khẩu thông thường.

Theo đại Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng), với tên gọi của luật là quản lý ngoại thương thì có thể dễ gây hiểu luật chỉ tập trung về phần quản lý còn về phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tạo điều kiện để ngoại thương phát triển chưa được quan tâm thỏa đáng, điều này đã ảnh hưởng đến nội dung của luật khi xây dựng.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng chia sẻ băn khoăn với nhiều đại biểu Quốc hội nếu luật này được Quốc hội thông qua sẽ là một trong số rất ít các sắc luật mang tên "Luật quản lý" nhấn mạnh nhu cầu quản lý. Dự thảo luật thật ra không chỉ đề cập tới nội dung quản lý mà còn đề cập tới nhiều biện pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển ngoại thương và phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân trong lĩnh vực ngoại thương. Vì vậy sẽ là hợp lý nếu luật này gọi là Luật ngoại thương giống như tên gọi phổ biến của các luật chuyên ngành khác mà Quốc hội ban hành.

Ý kiến này cũng được đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đồng tình và cho rằng điều đó là hợp lý và phù hợp đồng bộ với tên gọi của một số luật chuyên ngành khác.

Quá ôm đồm, nhưng điểm cốt lõi lại chung chung

Theo đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn), Chính phủ đã đánh giá Luật thương mại năm 2005 còn tồn tại nhiều bất cập, các quy định của luật chủ yếu mang tính khung, nêu khái niệm nhưng không có nguyên tắc áp dụng, trường hợp áp dụng. Nhưng khi nghiên cứu dự án Luật quản lý ngoại thương thấy đây cũng là dự án luật mang tính nguyên tắc khung, chứa đựng nhiều quy định về thủ tục.

Trong 115 điều thì sơ bộ có đến trên 21 khoản, điểm trong các điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, nghĩa là ban hành văn bản dưới luật, đó là chưa tính đến các điều giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện.

Đồng tình nhận định này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, dự thảo Luật quản lý ngoại thương lần này điển hình là một luật khung, luật ống. Xem kỹ mới thấy có nhiều vấn đề có thể quy định chi tiết nhưng dự thảo lại đẩy việc cho Chính phủ.

“Dự thảo quá ôm đồm, nhiều nội dung không cần thiết nhưng với những nội dung cần thiết, cốt lõi thì lại quy định rất chung chung, chẳng có tiến bộ gì so với hệ thống pháp luật hiện hành”, đại biểu Lộc nói.

Theo Nguyễn Văn Thắng (TP Hà Nội), dự thảo còn những điều, nhiều quy định mang tính nguyên tắc, trong đó có ít nhất 24 nội dung trong dự luật cần được hướng dẫn cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật. Đại biểu Thắng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu và tiếp tục rà soát để cụ thể hóa tối đa các nội dung có thể, để các nội dung của luật khi ban hành sớm được đi vào cuộc sống, hạn chế tình trạng luật khung, luật ống.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31195602-du-thao-luat-quan-ly-ngoai-thuong-dien-hinh-cua-%e2%80%9cluat-khung-luat-ong%e2%80%9d.html