Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi): Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho du lịch phát triển

Nếu Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và đưa vào thực thi, sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập và tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 có 10 Chương, 79 Điều, đã được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật du lịch hiện hành: quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Theo khảo sát của Báo điện tử Tổ Quốc, hầu hết các doanh nghiêp, các chuyên gia du lịch đều đánh giá cao vai trò và sự cần thiết của Luật Du lịch sửa đổi đối với sự phát triển của ngành du lịch hiện nay. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, nếu Luật Du lịch sửa đổi được Quốc hội thông qua và đưa vào thực thi, sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và là cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững; góp phần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hanoi Redtours: Mong muốn có một Luật Du lịch hoàn chỉnh, là cơ sở pháp lý để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển

Luật Du lịch ban hành năm 2005 là văn bản Luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực Du lịch. Chính vì vậy, khi soạn thảo và ban hành đã bỏ sót nhiều hành vi trong lĩnh vực du lịch không được điều chỉnh; nhiều quy định còn chung chung khó hiểu, hiểu không thống nhất; nhiều quy định khó đưa vào áp dụng trong thực tế.

Từ khi ban hành đến nay (2005-2016) hoạt động du lịch tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng đa dạng hơn, linh hoạt hơn về loại hình Du lịch, xu hướng Du lịch, cách thức lựa chọn và sử dụng tours Du lịch. Việc ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá, mua bán và thanh toán đã phổ biến hơn. Chính vì vậy, nhiều quy định của luật 2005 bị lạc hậu, không còn phù hợp và cần phải điều chỉnh.

Hanoi Redtours và chắc rằng hầu hết các Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Du lịch và Du khách đều mong muốn có một Luật Du lịch hoàn chỉnh, là cơ sở pháp lý để bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước; thúc đẩy ngành Du lịch phát triển; điều chỉnh các quan hệ bảo đảm hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của Du khách và các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ. Các quy định của Luật cần rõ ràng, chính xác, bảo đảm có cách hiểu thống nhất, phù hợp với các điều kiện thực tế để Luật đi vào cuộc sống. Luật còn có khả năng dự phòng và tính tới những vấn đề phát sinh trong thời gian tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trương Hoàng –Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn – Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Việc sớm hoàn thiện Luật Du lịch sửa đổi là hết sức cần thiết.

Có lẽ không chỉ tôi mà mọi người làm trong ngành du lịch đều thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của việc ban hành Luật Du lịch hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với thời đại, với bối cảnh và cơ hội phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Chúng ta đều thấy Luật Du lịch ban hành năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý tốt cho công tác quản lý, phát triển du lịch nước nhà trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển của du lịch Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là trong giai đoạn gần đây. Du lịch thế giới và khu vực châu Á Thái Bình Dương phát triển mạnh cùng với quá trình phát triển kinh tế nhanh, hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới và khu vực ASEAN, tạo ra những cơ hội và cả thách thức cho phát triển ngành du lịch. Những đòi hỏi về nguồn lực tăng trưởng và thay đổi cấu trúc kinh tế tại Việt Nam đặt ra nhiệm vụ mới cho ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng của đất nước trong thời gian trước mắt.

Những điều này được khẳng định trong chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh đó, Luật Du lịch sau 10 năm thực thi cũng bắt đầu bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn của hoạt động kinh doanh và quản lý du lịch. Việc sớm hoàn thiện Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phù hợp với quy mô, tốc độ phát triển của hoạt động du lịch trong xu thế hội nhập là hết sức cần thiết.

Ông Lưu Đức Kế -Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist: Cơ bản đồng tình nhất trí với Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi)

Luật Du lịch đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đã ban hành 9 Nghị định, 21 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 34 Thông tư để triển khai thực hiện. Qua hơn 10 năm Luật Du lịch được thực hiện, đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền của người dân được hưởng thụ các giá trị du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn và góp phần phát triển kinh tế trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Du lịch vẫn còn một số vướng mắc khó khăn do thực tế nảy sinh, do một số quy định không phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi cần phải được nghiên cứu sửa đổi,bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Tôi đánh giá cao và cơ bản đồng tình nhất trí với Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,Tổng cục Du lịch được phân công tổng hợp soạn thảo./.

Lâm Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/du-thao-luat-du-lich-sua-doi-tao-hanh-lang-phap-ly-quan-trong-cho-du-lich-phat-trien-216677.html