Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể: Nhiều vấn đề cần xem lại

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố, theo các chuyên gia giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét lại, liệu Chương trình có quá tham vọng, điều kiện thực tế về vật chất lẫn giáo viên có cho phép chúng ta thực hiện?

TS Phan Thị Luyến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nghiêm Huê.

TS Phan Thị Luyến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nghiêm Huê.

Sáng qua 13/4, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp cùng Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo chương trình phổ thông (CT) tổng thể với sự tham gia của các giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) đầu ngành các môn khoa học cơ bản, đại diện lãnh đạo một số Sở GD&ĐT, lãnh đạo một số trường THCS, THPT của Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc.

Phát biểu đóng góp ý kiến đầu tiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng mối quan hệ giữa năng lực chung và môn học là một nội dung rất quan trọng mà dự thảo chưa đề cập đến. “Cần làm rõ mối quan hệ giữa từng năng lực chung với từng môn học, hoạt động giáo dục. Có như vậy mới định hướng được về kết quả đầu ra” – TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề nghị.

Còn GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam thì khẳng định có cảm giác bản CT này bị ám ảnh bởi nghị quyết, chính sách nên CT đặt ra quá tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính.

Ở tiểu học số lượng môn học không giảm mà những môn như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... khối lượng thời gian chiếm tới hơn 1/3 thời gian tiểu học. Trong khi yêu cầu của bậc tiểu học là học sinh chỉ cần nắm được kiến thức sơ đẳng nhất.

Đồng ý với quan điểm của GS Ngô Việt Trung, GS Phạm Tất Dong, Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng CT tiểu học phải hết sức ổn định. “Tiểu học là dạy những căn cơ nhất, thông thạo 4 phép tính, không thể học đủ các thứ trên đời mà đến nghiên cứu sinh vẫn viết sai ngữ pháp” – GS Phạm Tất Dong khẳng định. Góp ý thêm cho dự thảo, GS. Dong đề xuất không nên tách rời năng lực với phẩm chất của người học.

Tranh cãi môn học Trải nghiệm sáng tạo

Tại hội thảo, vấn đề khiến các đại biểu quan tâm nhất là trải nghiệm sáng tạo. Nên coi nó là môn học hay là một phương pháp trong dạy học? GS Ngô Việt Trung băn khoăn chúng ta làm thế nào để dạy cho học sinh hoạt động trải nghiệm sáng tạo?

Làm thế nào để có thể đào tạo được giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Điều kiện vật chất có cho phép chúng ta làm việc này hay không? Làm thế nào để có được hoạt động trải nghiệm sáng tạo? Theo GS Trung, sáng tạo đầu tiên là phải dạy cho học sinh biết tư duy, những cái đó có thể lồng vào kiến thức cơ sở.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng khẳng định đây là hoạt động mới được đưa vào CT với mục tiêu chính là chuyển hóa kiến thức, kỹ năng, thái độ thành năng lực. Vì vậy, đó không hẳn là hoạt động riêng biệt mà chủ yếu là hoạt động gắn liền với từng môn học.

“Hoạt động này do các giáo viên bộ môn thực hiện ngay trong tiến trình lên lớp, hoặc phối kết hợp với các giáo viên bộ môn khác tổ chức thực hiện, nhằm hướng tới việc xây dựng các năng lực chung. Tuy nhiên, trong dự thảo hiện nay, hoạt động trải nghiệm sáng tạo lại có vị trí, vai trò như một môn học riêng. Vấn đề đặt ra là giáo viên nào sẽ phụ trách môn học này. Liệu các trường sư phạm có phải xây dựng lại CT đào tạo các giáo viên chuyên về tổ chức hoạt động trải nghiệm này không?” – ông Tiến đặt câu hỏi.

Trả lời những băn khoăn này, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên CT – SGK mới cho rằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động thực hành đưa kiến thức vào cuộc sống và những sinh hoạt phục vụ cộng đồng. Chào cờ, sinh hoạt lớp nằm ở hoạt động này. Chỉ có điều CT phải có quy định rõ để các địa phương vận dụng học tập. Tránh tình trạng lợi dụng trải nghiệm sáng tạo để biến thành du lịch trá hình, gây tốn tiền của phụ huynh học sinh.

Băn khoăn số lượng môn học

Đứng dưới góc độ của những nhà quản lý tại các cơ sở giáo dục, đại diện Sở GD&ĐT Thái Nguyên đưa ra rất nhiều băn khoăn. Thứ nhất là môn học tự chọn không bắt buộc là ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc thiểu số. Bộ đưa ra nhưng rất khó thực hiện.

“Ngoài tiếng Anh, các trường biết dạy ngoại ngữ nào? Thái Nguyên có khu công nghiệp Sam Sung, rất muốn dạy tiếng Hàn nhưng không có giáo viên để dạy. Tiếng dân tộc cũng thế. Giáo trình ở đâu, lấy ai để dạy nên chúng tôi rất băn khoăn” – vị đại diện này cho hay.

Thứ hai là tự chọn bắt buộc ở lớp 11, 12 có những hoạt động ở ngoài trường, về kiến thức, nội dung học hoàn toàn có thể đáp ứng nhưng quản lý thế nào, đánh giá mức độ chuyên cần ra sao?

Trong khi đó, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Trần Trung Dũng thì cho rằng lớp 11, lớp 12 có 6 môn bắt buộc và tự chọn tối thiểu 5 môn. “Nhưng chúng tôi rất băn khoăn vì không biết các em sẽ chọn thế nào. Được lựa chọn tối thiểu 5 môn, Ban soạn thảo cũng nói là sẽ có khảo sát, nhưng với “dân ham học” như Hà Tĩnh thì các em sẽ không bỏ môn nào. Thế thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra” – ông Dũng nêu thực tế.

TS Phan Thị Luyến, hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm, Hà Nội đặt câu hỏi về tính mở và cách thức được vận dụng CT của các cơ sở đào tạo. Các trường có được vận dụng linh hoạt giảm thời lượng môn này, tăng thời lượng môn kia so với phân phối chương trình của Bộ không? Một băn khoăn nữa của bà Luyến đó các môn học của lớp 10. Theo CT mới, lớp 10 học tới 15 môn, nhiều hơn hiện nay.

Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết theo khảo sát của UNESCO và Ngân hàng thế giới thì số tiết của VN chỉ bằng 63% - 65% của các nước phát triển, bằng 75% Trung Quốc, 73% của Thái Lan, nhưng học sinh vẫn quá tải vì chỉ được học 1 buổi/ngày. Do đó, trong CT mới, cần có cả sự chuẩn bị về cơ sở vật chất thì mới thực hiện được.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/du-thao-chuong-trinh-pho-thong-tong-the-nhieu-van-de-can-xem-lai-1139989.tpo