Dù muốn tách khỏi EU, Anh vẫn đòi 'quan hệ đặc biệt' với Châu Âu

Theo hãng tin Reuters, các quan chức Anh đã có mặt tại thủ đô Brussels (Bỉ) để bắt đầu cuộc đàm phán Brexit với Liên minh Châu Âu (EU), trong khi vẫn muốn “một mối quan hệ đối tác mới, sâu sắc và đặc biệt” với EU.

Quan chức đàm phán Brexit David Davis đã nói với trưởng phái đoàn đại diện của EU Michel Barnier rằng Anh muốn các bên đối thoại với nhau bằng những “lý lẽ tích cực và mang tính xây dựng” trong cuộc đối thoại “khó khăn” sắp tới, với hi vọng đạt được một thỏa thuận khiến cả hai bên hài lòng.

Ông David Davis (trái) và ông Michel Barnier trong cuộc đàm phán về Brexit.

Một năm sau khi Anh gây chấn động toàn Châu Âu khi đa số người tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 đã bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi EU, các nguyên thủ Châu Âu cũng đang bày tỏ sự bối rối khi nội các Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa quyết định được Anh sẽ có quan hệ như thế nào với Châu Âu trong tương lai.

“Trước tiên chúng ta phải giải quyết những vấn đề do Brexit gây ra”, ông Barnier phát biểu. Trong số này bao gồm quyền lợi của các công dân ngoại quốc cũng như việc xác định lại biên giới giữa EU và Anh. Tuy vậy, ông Barnier không đề cập đến việc Anh phải chi trả hàng chục tỉ euro trước khi rời khỏi EU vào năm 2019.

Vấn đề tài chính này là một phần quan trọng trong cuộc thảo luận sắp tới, bởi phía đại diện EU sẽ không bàn thảo về thỏa thuận thương mại tự do mới chừng nào Anh chưa chi trả đủ khoản tiền cần thiết. Trong khi đó, Thủ tướng May vẫn nhất quyết nói rằng cuộc bàn thảo thương mại tự do sẽ diễn ra song song với cuộc đàm phán Brexit.

Một vấn đề còn lớn hơn đối với các quan chức đàm phán Anh đó là họ vẫn chưa xác định được họ sẽ hợp tác với EU như thế nào sau Brexit. Trong khi nhiều người ủng hộ đề xuất tách rời hoàn toàn với thị trường chung Châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond và nhiều doanh nghiệp mong muốn giữa Anh và EU vẫn giữ nguyên chính sách tự do đi lại vốn có của mình.

Liên minh Châu Âu đã lớn mạnh kể từ khi được thành lập vào năm 1957 với tên gọi Cộng đồng Kinh tế Châu Âu khi nay đã có 28 thành viên. Chưa từng có quốc gia nào mong muốn rời khỏi EU trước đây.

Ông Davis cũng đề cập đến những mối đe dọa an ninh chung trên toàn Châu Âu, vài giờ sau khi một xe tải đã đâm vào những người theo đạo Hồi tại một nhà nguyện ở thủ đô London (Anh). “Hiện đang có những hiểm họa khiến chúng ta đoàn kết lại với nhau hơn. Chúng tôi đều quyết tâm muốn xây dụng một mối quan hệ đặc biệt giữa Anh, các đồng minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác”, ông nói.

Quan chức hai bên đều cho biết cuộc đàm phán sẽ chưa thể mang lại kết quả rõ ràng. Phía Châu Âu hi vọng rằng cuộc gặp mặt này cùng một cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Brussels vào ngày 22/6 tới, nơi bà May sẽ gặp gỡ các nguyên thủ Châu Âu, sẽ giúp phần nào hạ nhiệt căng thẳng.

Ông Barnier cho biết ông hi vọng phía EU sẽ có được một thời gian biểu rõ ràng hơn về kế hoạch tách rời của Anh. Ông cũng từng nói rằng Anh và EU phải đạt được thỏa thuận tách rời trước tháng 10/2018 để Quốc hội Anh có thời gian phê duyệt.

Mặc dù ngày Anh rời khỏi EU được ấn định là ngày 30/03/2019 cho dù hai bên có đạt được thỏa thuận hay không, song lãnh đạo các nước Châu Âu muốn bà May rút lại lời đe dọa chấm dứt đàm phán và gây nên sự hỗn loạn đối với toàn châu lục. Hiện Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhiều người khác đều quyết tâm không để Anh có động thái có thể khiến nhiều quốc gia thành viên đơn phương rời khỏi EU.

Khi 52% số người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, nhiều người đã lo sợ khả năng tồn tại của EU vốn đã chật vật sau khủng hoảng kinh tế và bị chia rẽ do dòng người tị nạn từ Trung Đông. Việc ông Macron, một chính trị gia ủng hộ EU, cũng như chiến thắng của đảng của ông trong cuộc bầu cử tại Pháp vừa qua đã phần nào khiến Châu Âu trở nên lạc quan hơn.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/du-muon-tach-khoi-eu-anh-van-doi-quan-he-dac-biet-voi-chau-au-post230185.info