Dự một hội thảo, nhà nông biết trăm điều hay

Việc tổ chức các cuộc hội nghị giới thiệu sản phẩm là một cách truyền thông hiệu quả mà hầu như nhãn hàng lớn nhỏ nào cũng áp dụng. Đối với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, việc tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo đầu bờ không chỉ nhằm đưa sản phẩm đến gần với bà con nông dân, mà qua đó còn cung cấp cho bà con kiến thức bổ ích về việc sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả.

Tổ chức trên 2.000 hội nghị/năm

Hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang năm 2016. Ảnh: T.Đ

Việc tổ chức các hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao giúp cho các sản phẩm mang thương hiệu “Phân bón Lâm Thao” với logo 3 nhành cọ xanh đến gần hơn với bà con nông dân, tạo là cơ hội để bà con có thể trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm canh tác nông nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng của nông sản, tạo ra những vụ mùa bội thu.

Từ những năm 1999-2000, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Lâm Thao) đã kết hợp các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp như Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp và các nhà phân phối sản phẩm khu vực để tổ chức các cuộc hội nghị với tên gọi “Hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao”.

Lần đầu tiên là tại tỉnh Vĩnh Phú (nay là 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc), sau đó lan rộng ra các địa phương trên cả nước. Chi phí để tổ chức một hội nghị như vậy không hề nhỏ và được nâng dần lên theo từng thời kỳ, cấp thành từng mức cho phù hợp với các cấp hội nghị (xã, huyện, tỉnh, khu vực). Riêng đối với cấp xã của một vài tỉnh gần trụ sở công ty, từ năm 2014, Công ty Lâm Thao hỗ trợ cho mỗi bà con dự hội nghị 5kg phân bón NPK-S*M1 12.5.10-14.

Từ đó đến nay, mỗi năm Công ty Lâm Thao đều tổ chức hàng ngàn cuộc hội nghị lớn nhỏ trên các địa bàn khắp cả nước, với hàng trăm ngàn lượt nông dân tham dự, chi phí lên đến hàng tỷ đồng. Riêng năm 2014, công ty đã tổ chức gần 2.000 hội nghị với số tiền 5,2 tỷ đồng; năm 2015, công ty đã tổ chức 2.249 hội nghị với chi phí khoảng 5,9 tỷ đồng.

Trước đây, khi còn cơ chế bao cấp, các sản phẩm phân bón của Công ty Lâm Thao sản xuất ra hầu như được Nhà nước định hướng tiêu thụ toàn bộ, vì thế công tác tiếp thị giới thiệu sản phẩm chưa được công ty thực sự chú trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là sau khi tiến hành cổ phần hóa, tình hình cạnh tranh trên thị trường phân bón ngày càng khốc liệt, hàng giả hàng nhái tràn lan, vì thế tính chất của các cuộc hội nghị cũng bắt đầu đi sâu vào phân tích các điểm mạnh của thương hiệu phân bón Lâm Thao so với đối thủ, cách nhận biết các sản phẩm “phân bón Lâm Thao thật”, từ đó giúp bà con tránh mua phải phân bón kém chất lượng. Điều đáng chú ý là qua các cuộc hội nghị, bà con đã nắm được quy trình bón phân Lâm Thao hợp lý, cân đối, khép kín và hiệu quả.

Nhiều bài học hay từ hội nghị

Những vỏ bao phân bón kém chất lượng thu được tại Bắc Giang. Ảnh: T.Đ

Còn nhớ, đã từng có thời điểm sản lượng tiêu thụ phân bón tại 2 huyện Lục Ngạn, Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) sụt giảm do bà con nông dân ngoảnh mặt làm ngơ với nhiều thương hiệu phân bón, trong đó có cả phân bón Lâm Thao vì tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, khiến bà con không biết đâu mà lần. Hàng loạt các nhãn hiệu phân bón nhìn bằng mắt thường “khá giống” với phân bón Lâm Thao được tung ra thị trường với nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá, quà tặng đi kèm, lại có những tên gọi rất “mỹ miều” như phân bón trung lượng chất lượng cao DP, phân bón cao cấp Nam Điền... Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong những loại phân bón đó rất thấp, thậm chí có loại chỉ đạt dưới 1%. Các cơ quan chức năng khẳng định, bón những loại phân này lâu dài sẽ làm chai đất, song cơ quan chức năng cũng không đưa ra được giải pháp nào triệt để nhằm cải thiện tình trạng trên.

Nắm bắt được tình hình đó, hàng loạt các biện pháp đã được Công ty Lâm Thao tiến hành, trong đó trọng tâm là tuyên truyền, giải thích cho bà con nông dân thông qua các hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón tại từng thôn, xã. Kết quả là sau chiến dịch đó, nhiều nông dân đã biết cách nhận biết phân bón Lâm Thao bằng mắt thường. Cũng nhờ tham gia hội thảo mà bà con còn biết cách đọc các hàm lượng dinh dưỡng chính của phân bón trên bao bì để tránh mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng, từ đó tránh được các thiệt hại về tiền bạc không đáng có.

Việc tổ chức các hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao không chỉ giúp cho các sản phẩm mang thương hiệu “Phân bón Lâm Thao” với logo 3 nhành cọ xanh đến gần hơn với bà con nông dân, mà còn là cơ hội để bà con có thể trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm canh tác nông nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng của nông sản, tạo ra những vụ mùa bội thu. Về phía doanh nghiệp, nếu hỏi công ty được lợi gì thông qua những cuộc hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao thì câu trả lời chính là được lòng dân.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/du-mot-hoi-thao-nha-nong-biet-tram-dieu-hay-708034.html