Dự luật thuế ngân hàng trị giá 19 tỷ đô la

(Vietstock) - Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Canada để thảo luận những biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu thì các nhà làm luật Mỹ hôm 25/06 phê chuẩn một dự luật trong đó áp đặt mức thuế trị giá 19 tỷ đôla lên hệ thống tài chính nước này.

Là một phần của kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính Mỹ, mức thuế trên được đưa ra sau khi các nhà hoạch định chính sách tại Anh, Pháp, Đức xúc tiến kế hoạch đánh một số loại thuế mới đối với hệ thống ngân hàng. Với động thái này, giới phân tích hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận vấn đề thuế ngân hàng tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào hai ngày 26-27/06. Trong nội dung bức thư gởi tới các thành viên G20 hôm thứ Ba, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã kêu gọi các nước thông qua một hiệp định quốc tế về việc đánh thuế các tổ chức tài chính. Được biết, kế hoạch đánh thuế ngân hàng trên quy mô toàn cầu đã được thảo luận sơ bộ trong hội nghị bộ trưởng tài chính G20 vào đầu tháng 6 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước Canada, Braxin và Nhật Bản đã phản đối ý tưởng này và cho biết các ngân hàng của họ đã không cần đến sự viện trợ của chính phủ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính. Mặc dù, mức thuế áp dụng ở từng quốc gia là khác nhau, nhưng về cơ bản đều vì một mục đích duy nhất là: đảm bảo rằng các ngân hàng chính là người chịu trách nhiệm với những rủi ro của mình chứ không phải là người nộp thuế. Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osbome, phát biểu: “Sự sụp đổ của các ngân hàng đã tiêu tốn rất nhiều chi phí của xã hội. Việc các ngân hàng nên có những đóng góp hợp lý hơn trong thời gian tới để tránh được những rủi ro đáng tiếc là công bằng và đúng đắn.”. Và tại Mỹ, mức thuế đề xuất trị giá 19 tỷ đôla có thể trang trải chi phí cho việc thực hiện kế hoạch cải cách tài chính dự kiến sẽ được Tổng thống Obama ký thành luật vào đầu tháng 7 tới. Mức thuế này sẽ được áp dụng đối với những ngân hàng có tổng tài sản lớn hơn 50 tỷ đôla và các quỹ đầu cơ phòng hộ có với hơn 10 tỷ đôla tài sản. Tiêu chí đánh giá dựa vào mức độ rủi ro của từng ngân hàng và ước tính việc đánh thuế này sẽ đem về cho chính phủ khoản lợi nhuận 4 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, Quốc hội còn đang xem xét một khoản “phí trách nhiệm khủng hoảng tài chính” trị giá 90 tỷ đôla, đây là một phần trong dự thảo ngân sách năm 2011 của Tổng thống Obama. Theo chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, ông Edward Yinging, mặc dù lĩnh vực tài chính ủng hộ những nguyên tắc quan trọng trong kế hoạch cải cách nhưng các ông chủ nhà băng vẫn quan ngại rằng một số quy định cứng nhắc sẽ làm tổn hại đến lợi ích khách hàng. “Những hậu quả là có thật và sẽ tác động rất tiêu cực đến các ngân hàng truyền thống, đến lợi ích khách hàng hay rộng hơn là đến nền kinh tế” ông Yingling cho biết trong một thông báo.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.vn/tabid/57/channelid/773/newsid/157684/default.aspx