Dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Còn nhiều ý kiến trái chiều

(BVPL) - Sau thời gian thực hiện Nghị định 56 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã nảy sinh những bất cập: chính sách đưa ra chung chung và tính pháp lý không cao nên đặt ra yêu cầu cần ban hành luật riêng cho đối tượng doanh nghiệp. Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Ban soạn thảo kế thừa những điểm tích cực của Nghị định 56, được các doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng sẽ tạo cơ chế để phát triển ổn định. Tuy nhiên, nội dung của Dự luật còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất.

Báo cáo đánh giá tác động của luật nêu rõ, tới hết tháng 9/2016 hiện có 590.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số 959.000 đăng ký. Riêng 9 tháng đầu năm 2016 có 101.961 doanh nghiệp thành lập, cao nhất từ trước tới nay; vốn bổ sung thêm tăng gần 50% so với cùng kỳ 2015. Dự tính, đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu DN vừa và nhỏ. Như vậy, mỗi năm tăng 130.000 DN, mỗi DN nộp ngân sách trung bình 500 triệu đồng thì sẽ tăng thu cho ngân sách 260.500 tỷ đồng/năm. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng với cộng đồng DN nhỏ và vừa hiện chiếm trên 97%. Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến cho rằng, những hạn chế nêu trong tờ trình của Chính phủ chưa đủ là nguyên nhân để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56. Việc ban hành luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do dự thảo luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện.

Dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất.

Nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng băn khoăn dự luật “đụng chạm” đến quá nhiều luật và quy định pháp luật khác, thậm chí vi phạm quy định về chống trợ cấp, chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Theo cơ quan soạn thảo, các biện pháp hỗ trợ như: giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... không phải là trợ cấp và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế. Quan điểm chung của thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình cần có hỗ trợ về thuế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính toán sơ bộ toàn bộ các nội dung ưu đãi, miễn giảm thuế theo các quy định của dự thảo luật sẽ làm ngân sách Nhà nước giảm thu gần 9.400 tỷ đồng/năm, mâu thuẫn với chỉ đạo của Thủ tướng năm 2015 về việc không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế. Ngoài ra, tờ trình của Chính phủ cũng chưa làm rõ được thời gian ngân sách nhà nước sẽ cân bằng thu chi.

Hiện, còn nhiều vấn đề của Dự luật chưa được thống nhất. Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng hầu hết các vướng mắc, bất cập trong hỗ trợ phát triển DN nằm ở khâu triển khai thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế, chính sách. Do đó, Chính phủ chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 mà không cần thiết ban hành luật này. Bộ Tài chính thì bác bỏ các điều khoản liên quan đến hỗ trợ về thuế. Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, nếu áp dụng các quy định như dự thảo luật thì có thể bị các nước thành viên kiện ra WTO…

Về đề xuất DN nhỏ và vừa được tổ chức tín dụng cho vay 100% tài sản thế chấp, nhiều ý kiến lo ngại sẽ gây mất bình đẳng với đối tượng khác. Đáng ngại hơn, khi có luật sẽ dễ nảy sinh tiêu cực như “chạy”, chung chi để cán bộ xác nhận hạ cấp xuống DN nhỏ và vừa để được hỗ trợ. Trước mắt, yêu cầu đặt ra là Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý… tạo điều kiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự kiến, Dự thảo sẽ được bổ sung, sửa đổi để kịp đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Minh Triết

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/doanh-nhan-doanh-nghiep/201610/du-luat-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-con-nhieu-y-kien-trai-chieu-2517755/