Du lịch Việt: Ứng xử đúng mực để phát triển

Trong thời gian gần đây, gói du lịch giá “tour 0 đồng” đã gây thiệt hại về lợi nhuận cho ngành du lịch cả nước, cũng như làm méo mó hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè, du khách quốc tế. Trước vấn nạn đó, Việt Nam cần có chính sách chống lại kiểu làm du lịch rẻ tiền; chấn chỉnh, đưa ra những ứng xử phù hợp để phát triển ngành du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn năm 2017.

Việt Nam cần “ứng xử phù hợp” với du lịch rẻ tiền

Năm 2016, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt, trong đó, khách Trung Quốc đạt 2,7 triệu lượt người, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế, khách Hàn Quốc đạt 1,5 triệu lượt, chiếm 15%. Riêng hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm tới 42% tổng thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, nếu tính cả khách từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc), con số này xấp xỉ 50%. Theo kết quả từ Cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2017 ước đạt 1.005.821 lượt, giảm 16,1% so với tháng 2/2017 và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 3 tháng năm 2017, ước đạt 3.212.480 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.

Những con số đáng mừng nếu ngành du lịch Việt biết khai thác đúng với “chuẩn mực” đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể, không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá, không bán hàng kém chất lượng, cấu kết với các công ty du lịch Trung Quốc để trục lợi cá nhân… Bởi, với nhiều địa danh nổi tiếng, những ưu đãi hấp dẫn, lành mạnh mà du lịch Việt Nam tích cực quảng bá, thì không cần lạm dụng đến những giá tour du lịch rẻ tiền, vẫn thu hút du khách các nước láng giềng sẵn sàng đổ về.

Trao đổi với PV về thực trạng du lịch “tour 0 đồng”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, cần có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về “tour 0 đồng” để có cách ứng xử phù hợp: “Như tại Thái Lan là một ví dụ, sau khi báo cáo thất thu lên đến 9 tỷ USD mỗi năm vì “tour 0 đồng”, nước này đã xử lý gay gắt thực trạng trên. Dẫn đến việc, du khách Trung Quốc hủy chuyến đi Thái Lan gây ra tình trạng sụt giảm du khách nghiêm trọng. Bộ Du lịch nước này lại phải đưa ra biện pháp chấn chỉnh. Việt Nam cũng cần có ứng xử phù hợp tùy thuộc vào từng trường hợp: Như những tour mang tính chất lừa đảo, bắt chẹt, thì phải kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, nếu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, có hợp đồng chặt chẽ, có chia sẻ quyền lợi, bảo đảm được chất lượng phục vụ, quyền lợi của du khách vào mùa du lịch thấp điểm, thì cần có cách ứng xử phù hợp”.

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Việt Nam cần cam kết không phá giá dịch vụ du lịch, cần có sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách hơn. Cần nắm luật, chính sách để không mắc sai phạm khi hoạt động, không quan trọng thị trường nhiều khách, nhiều tiền… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn Việt Nam có chế tài minh bạch để môi trường du lịch có thể trong sạch, bình đẳng.

Du lịch Việt cần có cách”ứng xử” khôn khéo để phát triển ngành du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn. Ảnh minh họa: Trần Phong

Du khách ứng xử thiếu văn hóa: “Cấm cửa” xuất ngoại

Người Việt Nam lên án du khách Trung Quốc vì nhiều hành vi xấu khi đi du lịch như ồn ào, xả rác bừa bãi. Thế nhưng, khách du lịch Việt hiện nay cũng không thua gì trong lối ứng xử kém văn hóa. Ví dụ như: Ăn cắp vặt, chửi bậy, xả rác bừa bãi, nói to ở nơi công cộng, “vô tư” hút thuốc nơi có bảng cấm, trang phục tùy tiện không phù hợp với địa điểm tham quan, ăn uống lãng phí… những vấn nạn khiến người Việt Nam bị kỳ thị nghiêm trọng khi đi du lịch tại các nước trên thế giới, hay du khách nước ngoài đến Việt Nam đã “tặc lưỡi” không thốt nên lời, cần phải được quan tâm khắc phục. Chúng ta cần phải nhận thức được rằng, mỗi du khách khi đi du lịch đến nước nào, họ chính là vị đại sứ mang hình ảnh, biểu tượng của địa phương, quốc gia đó. Phải ứng xử văn mình để hình ảnh của đất nước không bị đem ra bôi nhọ, miệt thị.

Ông Bình cho biết: Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Chiến dịch này đã nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch và các bộ, ngành, địa phương cả nước, góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch trong cũng như ngoài nước.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm 2 chương, trong đó quy định những điều cần làm như việc phải xếp hàng trật tự, trang phục phù hợp, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không vứt rác, không lấy đồ của người khác… Những việc như mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã… cũng nằm trong ứng xử chưa đúng mực.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ quận 3) chia sẻ quan điểm: “Để lối ứng xử du lịch được văn minh hơn, tôi nghĩ vai trò của hướng dẫn viên rất quan trọng. Họ là người nắm rõ văn hóa nơi du khách đến nên họ cần mạnh dạn nhắc nhở, hướng dẫn du khách và đưa ra những nhận xét thích đáng về các hành vi phản cảm không phù hợp để du khách điều chỉnh”.

Ngoài ra, để hạn chế những hành vi phản cảm, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp thực hiện như: Tiến hành “cấm cửa” một thời gian hoặc vĩnh viễn đối với những du khách vi phạm nhiều lần, làm xấu hình ảnh người Việt. Các công ty du lịch vi phạm nghiêm trọng có thể bị tước giấy phép. Những hành vi, biểu hiện trái quy định, chúng ta phải công bố rộng rãi, nhắc nhở để du khách không vi phạm, thậm chí phải có cơ chế xử phạt hành chính đối với những hành vi nghiêm trọng. Có như thế, mới tạo ra môi trường du lịch văn minh, chấn chỉnh những hình ảnh chưa đẹp.

Bella

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/du-lich-viet-ung-xu-dung-muc-de-phat-trien-d56857.html