Du lịch Việt Nam cần học Thái Lan, Nhật Bản để thành kinh tế mũi nhọn

Năm 2015, trong khi khách quốc tế đến Thái Lan đạt khoảng 29 triệu lượt, đến Nhật Bản đạt 20 triệu lượt thì khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt xấp xỉ 8 triệu lượt. Những số liệu so sánh này cho thấy vị trí của du lịch Việt Nam ở đâu trong bản đồ thế giới.

Với chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã được đưa ra tại buổi hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, do Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.

Theo số liệu của Tổng cục du lịch, tính từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Việt Nam đón 6,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời phục vụ hơn 43 triệu lượt khách nội địa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm sau vẫn cao hơn năm trước, nhưng mức độ đóng góp vào GDP của du lịch Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ xếp hạng 55 trên thế giới.

Khách quốc tế thăm phố cổ Hội An

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Cục trưởng Cục du lịch cho rằng, nhận thức về du lịch trong những năm qua tại Việt Nam đã có bước chuyển biến quan trọng, từ chỗ chỉ coi du lịch là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay đã xác định đây là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong năm 2014, theo Tổ chức đánh giá thương hiệu Brand Finance, đạt 172 tỉ USD, tăng 30% so với năm 2013.

Nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, yếu kém. Thứ nhất là trong xúc tiến quảng bá, khách quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch Việt Nam. “Chúng ta mới chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD/năm cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch, trong khi các nước có ngành du lịch phát triển đầu tư đến 80 -100 USD/năm là bình thường”, ông Tuấn cho biết.

Đà Lạt - Một trong những điểm thu hút khách du lịch

Thứ 2 là Việt Nam thiếu điểm đến nổi trội, khác biệt mang tính cạnh tranh, do chưa có sự đầu tư nghiêm túc để tạo nên những khu du lịch chất lượng cao. Nếu như Thái Lan có những khu du lịch nổi tiếng thế giới về các dịch vụ giải trí, mặc dù không có gì nổi trội về cảnh sắc như Pattaya, Phuket, thì Việt Nam vẫn chưa làm được điều đó. Khách đến Đà Nẵng, Hội An ngoài ngắm cảnh vẫn chưa có nhiều hoạt động giải trí để có thể lưu lại lâu hơn, hay thậm chí là trở lại nhiều lần.

Tiếp đến, công tác quản lý môi trường du lịch còn nhiều bất cập, như chất lượng cơ sở lưu trú không đồng bộ, khai tác tài nguyên không bền vững, tình trạng lừa đảo, đeo bám, ép khách gây mất an toàn cho khách, chưa kể vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là một nguy cơ cao về mặt sức khỏe.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã bàn đến những giải pháp để khắc phục những hạn chế. Giới thiệu mô hình của Nhật Bản trong việc phấn đấu trở thành “Quốc gia du lịch” đón 30 triệu lượt khách quốc tế, ông Phùng Quang Thắng, trưởng Văn phòng đại diện du lịch Việt Nam cho biết, chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật du lịch sửa đổi, trong đó quy định trách nhiệm đưa Nhật trở thành quốc gia du lịch là của mỗi người dân.

Để tạo điều kiện vận hành thông thoáng, Cục du lịch Nhật Bản dù nằm trong Bộ đất đai, Hạ tầng, Giao thông nhưng vẫn được điều hành trực tiếp từ chính phủ theo ngành dọc. Nhật Bản cũng không ngại chi cho xúc tiến du lịch, năm 2016 lên đến 240 triệu USD so với 100 triệu USD của năm 2015.

Mục tiêu của du lịch Việt Nam là thu hút 15 triệu khách quốc tế vào năm 2020, với mức tăng trưởng bình quân 14%/năm. Để đạt mục tiêu này, Cục chủ trương tái cơ cấu ngành du lịch, đưa ngành phát triển theo quy luật thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt.

Song song đó, sẽ điều chỉnh luật du lịch và hệ thống văn bản pháp quy để tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững. Cục cũng nghiên cứu xác định các thị trường trọng điểm như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, ĐBSCL…, giống như Thái Lan đã và đang làm đối với Chiang Mai, Pattaya hay Phuket…

Nhân sự ngành du lịch cần được đào tạo đủ năng lực

Theo ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, song song với việc cải thiện chính sách, thì cần phát triển đội ngũ nhân sự, đặc biệt là đội ngũ lữ hành quốc tế. Ông nhận định, cần xếp ngành du lịch vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, không phải ai muốn làm du lịch cũng được. Ông Tài cho biết, tại các nước có ngành du lịch phát triển, trong đó có Nhật Bản, một DN lữ hành bên cạnh pháp nhân phải có cả yếu tố thể nhân, tức là chủ DN phải có chứng chỉ hành nghề để đảm bảo có năng lực điều hành. Các nhân viên cũng cần phải chứng tỏ được kinh nghiệm nghề nghiệp.

Kim Vân

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/du-lich-c-82/du-lich-viet-nam-can-hoc-thai-lan-nhat-ban-de-thanh-kinh-te-mui-nhon-42413.html