Du lịch thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng do sự cố môi trường biển

Ngành du lịch 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng bởi sự cố môi trường biển ở miền Trung hồi tháng 4-2016 cũng muốn được bồi thường, hỗ trợ như những người làm nghề cá bị ảnh hưởng sau thảm họa này.

Những người làm nghề các được đền bù. Ngành du lịch cũng bị thiệt hại lớn và cũng muốn được đền bù do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển- Ảnh: TL

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành du lịch 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển nói trên đã làm khách du lịch đến vùng này sụt giảm nghiêm trọng.

Số liệu mà cơ quan quản lý du lịch 4 tỉnh này công bố vào ngày 13-10, trong cuộc họp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bàn về những giải pháp để ngành du lịch khắc phục sự cố này cho thấy, doanh thu du lịch biển tại Hà Tĩnh giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch khác cũng giảm 40-50%.

Tại Quảng Bình, thiệt hại lên đến 1.900 tỉ đồng, gồm doanh thu từ lữ hành, lưu trú, nhà hàng. Du lịch Quảng Trị thiệt hại ít hơn, khoảng 250 tỉ đồng, còn Thừa Thiên - Huế nhờ có những sản phẩm du lịch nổi tiếng khác ngoài biển nên đã giúp du lịch không sụt giảm doanh thu.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết chín tháng qua, dù số liệu cho thấy có khoảng 1,8 triệu lượt khách đến, giảm chỉ 26% so với cùng kỳ nhưng rất nhiều người chỉ ghé lại rồi đi trong ngày, không phải đến để du lịch, vui chơi nên doanh thu du lịch giảm sút rất mạnh. "Lượng khách du lịch thực sự giảm đến hơn 70%. Chúng tôi đã cố hướng du khách sang một số loại hình khác như du lịch hang động nhưng doanh thu cũng không thêm được bao nhiêu, vẫn thiệt hại đến 1.900 tỉ đồng", ông nói với TBKTSG Online sau cuộc họp.

Sự cố môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí đang hoạt động mà còn làm cho những doanh nghiệp đang đầu tư vào du lịch tại Quảng Bình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng các dự án khách sạn sắp xây xong phần thô hoặc đang hoàn thiện thì đã có đến 17 dự án phải ngưng do vắng khách.

"Bình quân chủ đầu tư đã chi 15-17 tỉ đồng cho mỗi dự án nên thiệt hại khi dự án đình trệ là rất lớn. Với sự cố này, không chỉ ngành cá bị ảnh hưởng mà du lịch cũng phải gánh hậu quả rất nặng nề và kéo dài nhưng lại không được bồi thường hay hỗ trợ như nghề cá", ông nói.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cơ quan quản lý đề nghị Chính phủ nên có các biện pháp như miễn, giảm lãi vay hoặc giãn nợ, khoanh nợ... cho doanh nghiệp.

Trong các cuộc trao đổi gần đây với TBKTSG Online về những biện pháp giúp 4 tỉnh miền Trung kéo khách đến sau thảm họa môi trường biển, nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn lớn đều cho rằng hiện chưa có cách nào có hiệu quả thực sự. Sự cố này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến du lịch ngay lúc này mà còn kéo dài đến những năm tới.

“Cá nhân tôi chưa thấy chương trình nào có thể làm. Chúng ta không thể vội vã mà cần thời gian, chờ sự cố đi qua rồi mới có thể hành động", ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng nói và cho rằng sở dĩ sự cố này gây ảnh hưởng lâu dài bởi du khách không chỉ lo ngại về chuyện nước biển nhiễm độc, nhiều loại hải sản không thể ăn mà còn lo ngại cả những vấn đề liên quan khác như ô nhiễm nguồn nước, các loại rau củ, gia cầm dùng để chế biến thực phẩm có an toàn hay không...

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152660/du-lich-thiet-hai-hang-ngan-ti-dong-do-su-co-moi-truong-bien.html/