Du lịch nhân văn - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trong bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, có những dòng đánh giá: Hà Tĩnh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng lại chưa có những sản phẩm du lịch có thương hiệu. Quy hoạch được thực hiện năm 2011 và cho đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa tạo dựng được những sản phẩm du lịch có thương hiệu trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có, nhất là du lịch nhân văn.

Lễ hội là một trong những di sản văn hóa truyền thống phi vật thể được tổ chức hàng năm ở nhiều địa phương, phản ánh sự phong phú của văn hóa truyền thống Hà Tĩnh. Bên cạnh các di tích lịch sử - văn hóa thì lễ hội ở Hà Tĩnh cũng là tài nguyên du lịch nhân văn giá trị. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch lễ hội chưa phải là một sản phẩm du lịch có thương hiệu của Hà Tĩnh.

Nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm và các thành viên CLB ví, giặm xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh) trong một buổi diễn xướng. Ảnh: Sỹ Ngọ

Nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm và các thành viên CLB ví, giặm xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh) trong một buổi diễn xướng. Ảnh: Sỹ Ngọ

Mặc dù có khá nhiều lễ hội tâm linh thu hút khách thập phương như: chùa Hương Tích (Can Lộc), đền Bà Hải (Kỳ Anh), đền Chiêu Trưng (Thạch Hà), đền Chợ Củi (Nghi Xuân), lễ kỷ niệm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), lễ hội báo ân, Đô đài và trò “Đình Đụn” ở đền thờ Bùi Cầm Hổ (TX Hồng Lĩnh), lễ hạ thủy, chèo cạn (Cẩm Xuyên)... Hầu hết lễ hội chưa được tổ chức với đầy đủ nghi thức và chưa được khai thác gắn với tour, tuyến du lịch cụ thể của tỉnh. Các hoạt động vui chơi, trải nghiệm gắn với các lễ hội này chưa nhiều.

Hà Tĩnh cũng có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: mộc Thái Yên, đóng thuyền Trường Xuân (Đức Thọ); rèn Vân Chàng - Minh Lương (TX Hồng Lĩnh); làm nón Phù Việt, đan Thạch Long (Thạch Hà); dệt chiếu Nam Sơn (Can Lộc). Các làng nghề này nếu được đầu tư xây dựng, khôi phục theo hướng phát triển du lịch có thể trở thành điểm tham quan hấp dẫn, đồng thời, một số điểm có thể tổ chức bán các sản phẩm lưu niệm cho du khách.

Việc phát triển làng nghề có sự tham gia của du khách trong quá trình sản xuất chưa được ngành du lịch coi trọng. Hiện chưa có làng nghề nào được đông đảo du khách biết đến và cũng chỉ mới có rất ít sản phẩm lưu niệm bán cho du khách. “Trăm nghe không bằng một thấy”, nếu các tour, tuyến du lịch của Hà Tĩnh khai thác lĩnh vực này bằng cách tổ chức cho du khách đến các làng nghề, trực tiếp tham gia làm các loại đồ dùng thủ công thì chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu đậm.

Lễ hội đền Bích Châu (Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) là một trong những lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương về với Hà Tĩnh.

Bên cạnh các làng nghề, Hà Tĩnh còn có nhiều làng ca hát nổi tiếng như: ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên (Nghi Xuân); hát ví phường vải Trường Lưu (Can Lộc); hò ví, giặm Đan Du, Phong Phú (Kỳ Anh)...; cùng với đó là các địa chỉ văn hóa nổi danh. Đây là những tài nguyên du lịch mang tính giáo dục và nhân văn cao nhưng chưa được gắn nhiều với hoạt động du lịch. Trong khi đó, ca trù và dân ca ví, giặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các địa phương cũng đã hình thành nhiều thế hệ nghệ nhân mới, ngành du lịch hoàn toàn có thể dựa trên sự thuận lợi này để xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, có thương hiệu cho Hà Tĩnh.

Ngoài ra, sự đa dạng của các đặc sản như: nhung hươu, cam bù, thịt dê (Hương Sơn); bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây (Hương Khê); quýt Kỳ Thượng (Kỳ Anh); cu đơ Cầu Phủ (TP Hà Tĩnh); hến chợ Thượng (Đức Thọ); các loại hải sản vùng biển độc đáo như: mực nháy Vũng Áng; cá và nước mắm Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), Thạch Kim (Lộc Hà) gắn với các chợ cổ miền biển... chính là tài nguyên du lịch có giá trị. Nếu khai thác tốt, có thể mang lại chương trình tham quan, trải nghiệm phong phú, hấp dẫn. Thử hình dung, khi đến Hương Sơn vào mùa xuân, không chỉ tham quan các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du khách còn được trực tiếp tham gia việc cắt nhung hươu hoặc thưởng thức cam bù, tìm hiểu việc nuôi hươu, trồng cam, chắc chắn hiệu quả tuyên truyền, quảng bá sẽ lớn hơn rất nhiều.

Tiếc rằng, dù huyện nào cũng xây dựng quy hoạch phát triển du lịch rất quy mô nhưng những tiềm năng sẵn có lại chưa được khai thác triệt để. Những vùng nhung hươu, cam Hương Sơn, Hương Khê hoàn toàn có thể xây dựng du lịch trải nghiệm gắn với các điểm du lịch sinh thái nhưng hầu như những lợi thế này mới chỉ được khai thác về mặt sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nguồn nước khoáng nóng Sơn Kim có hàm lượng chất khoáng cao chưa được khai thác triệt để.

Nghề đan ở Thạch Long (Thạch Hà) nếu được gắn với hình thức du lịch, vừa có cơ hội phát triển kinh tế, vừa không bị mai một.

Mới đây, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức đoàn tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch làng xã nông thôn mới tại các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, Xuân Phổ, Xuân Thành (Nghi Xuân). Thông qua hình thức này, những người tham gia chương trình đã được làm người nông dân xưa và nay với những công việc như xay lúa, giã gạo, bắt cá, nướng cá… Đây cũng có thể coi là một hướng phát triển của du lịch Hà Tĩnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngành du lịch cần nghiên cứu để tạo nên thương hiệu cho du lịch trải nghiệm Hà Tĩnh nhằm thu hút du khách thập phương.

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, du lịch tỉnh ta còn gặp một số khó khăn như phụ thuộc vào thời tiết nên chỉ hoạt động theo mùa vụ, hạ tầng thiếu và yếu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Ngoài những cơ chế, chính sách của tỉnh để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Hà Tĩnh, nhất là giới thiệu các sản phẩm du lịch nhân văn tại các hội chợ xúc tiến du lịch ở trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng”.

Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-giai-tri/du-lich-nhan-van-tiem-nang-con-bo-ngo/111535.htm