Du lịch lễ hội chưa hút khách, vì sao?

Đa số du khách đều muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa tại quốc gia mà mình đặt chân đến. Bởi vậy, Ngành Du lịch nước ta tập trung khai thác mảng lễ hội (LH), tổ chức tuần văn hóa du lịch, mở tuyến tham quan di tích lịch sử... để du khách hiểu hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, cho đến nay, mô hình này vẫn chưa mang lại hiệu quả bền vững.

Du khách dự lễ hội Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: Hải Anh

Nhiều “sạn” nên chưa hút khách

Theo ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour, nhiều LH trên cả nước chưa hút khách hiệu quả như mục tiêu đề ra. Tiêu biểu như LH Dinh Cô Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), dù đã qua nhiều lần tổ chức song năm nào cũng có "sạn". Dễ thấy nhất là hiện tượng người bán vé số, ăn xin, gánh hàng rong chèo kéo khách. Nhiều khách sạn, điểm trông giữ xe, nhà hàng thi nhau tăng giá, khiến du khách khó chịu và có cảm giác bị “chặt chém”.

Rất tiếc là không chỉ có LH Dinh Cô Long Hải vướng vào vấn nạn nói trên. Ngược dòng thời gian, có thể thấy "sạn" từng có ở LH du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), ở Hội Lim (Bắc Ninh), LH hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định)... Ấn tượng không đẹp theo chân du khách đến với cộng đồng, nên ngay cả khi chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng "chặt chém", chèo kéo du khách... trong các kỳ LH gần đây, nhiều người vẫn tránh xa các điểm đến nổi tiếng trong dịp chính hội.

Việc nhiều LH gây cảm giác ngại ngần cho du khách, thậm chí dẫn tới tâm lý “một đi không trở lại” hoặc tới dự hội rồi về ngay trong ngày không chỉ do họ sợ bị làm phiền, mà còn do hạn chế về cơ sở hạ tầng du lịch và khả năng đáp ứng nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí ngoài LH. Hiện tượng “cháy” phòng nghỉ, khách sạn, nạn tắc đường… cũng là nguyên nhân khiến nhiều du khách sợ dự lễ khai ấn Đền Trần, sợ phiên Chợ Viềng một năm tổ chức một lần…

Khi LH văn hóa không hỗ trợ hiệu quả cho phát triển du lịch, đó là điều đáng tiếc bởi nhìn sang một số nước trong khu vực, việc tổ chức LH một cách chuyên nghiệp, bài bản không chỉ giúp quảng bá hình ảnh quốc gia, mà còn tạo ra sức hút du lịch rất lớn. Ví dụ như Thái Lan với việc tổ chức LH té nước Songkran (từ ngày 13 đến 15-4 hằng năm). LH diễn ra trên toàn quốc nhưng mỗi vùng miền lại có cách tổ chức khác nhau, khiến du khách cảm nhận được nét riêng biệt của từng điểm đến. Tại các điểm du lịch, ban tổ chức không chỉ chủ động quảng bá thông tin tới các đơn vị truyền thông, lữ hành, mà còn thông báo rộng rãi tới du khách về những điều cần lưu ý như cách giữ gìn đồ đạc quý giá, cách dùng túi chống thấm để bảo vệ đồ đạc khỏi ướt khi tham gia vào hoạt động của LH...

Khâu tổ chức thiếu tính chuyên nghiệp

Hàng nghìn du khách dự lễ khai hội Chùa Hương 2016. Ảnh: Minh Đức

Ông Lê Công Năng cho rằng, nguyên nhân của việc LH chưa đem lại hiệu quả cần thiết chủ yếu do khâu tổ chức. Chính quyền địa phương tại nhiều nơi chưa biết cách phối hợp với các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp lữ hành để quảng bá nội dung, hình thức, quy mô, thời gian diễn ra LH và những điều cần lưu ý. "Khi các đơn vị lữ hành không nắm rõ thông tin thì việc đưa chương trình LH vào các tour và chào bán cho khách là điều không tưởng. Hơn nữa, do công tác bảo đảm trật tự ở một số LH còn hạn chế nên nhiều hãng lữ hành lo lắng về sự an toàn của du khách khi tham gia tour", ông Lê Công Năng nói.

Theo ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Star Travel, sự hạn chế trong khâu phối hợp còn thể hiện ở việc chính quyền địa phương không chủ động cung cấp thông tin về LH trước để các doanh nghiệp lữ hành thiết kế tour, đặt phòng, tránh tình trạng “cháy” phòng, dịch vụ vào mùa cao điểm. Ngoài ra, đa số nhà tổ chức chưa có phương án giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử của LH để du khách hiểu và được trực tiếp tham gia vào các hoạt động tại LH. Ví dụ, LH Bái Đính kéo dài vài tháng, có nhiều hoạt động thú vị như rước kiệu mang bài vị thờ thần Cao Sơn, Bà chúa Thượng Ngàn; lễ đăng đàn xã tắc của vua Đinh Tiên Hoàng… song du khách nước ngoài đến đây chỉ biết đứng nhìn vì không hiểu về tập quán tín ngưỡng của người Việt.

Từ nay đến mùa LH 2017 không còn bao xa, nếu không muốn nói rằng công tác chuẩn bị phải làm nghiêm túc ngay từ bây giờ. Do đó, để các LH gắn với du lịch và đem lại hiệu quả bền vững, các địa phương cần phải nâng cao khả năng bảo đảm trật tự, an toàn tại điểm đến, kiên quyết xử lý đối với hành vi làm biến tướng giá trị đích thực của LH. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch tại địa phương, đưa các giá trị văn hóa phi vật thể vào sản phẩm du lịch để du khách có thể trực tiếp tham gia hoạt động cùng người dân bản địa.

- Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): Các địa phương cần sớm cung cấp thông tin rõ ràng, chứ nếu để du khách và lữ hành phải tự tìm hiểu thì sẽ không hiệu quả; cần xúc tiến một cách tích cực để các đơn vị lữ hành biết địa phương mình có gì hay, đẹp và đưa vào tour, tuyến du lịch cũng như giới thiệu với bạn bè quốc tế.

- Ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Công ty Lạc Hồng Travel: Khi du khách được hòa mình trong không gian văn hóa bản địa, họ sẽ có cảm nhận rõ hơn, có ấn tượng sâu sắc hơn về nét đặc sắc của điểm đến. Ví dụ, đối với LH bơi thuyền diễn ra hằng năm trên sông Kiên Giang, thay vì để khách ngồi trên bờ xem đua thuyền rồi về, chính quyền địa phương cùng các đơn vị lữ hành có thể thiết kế chương trình cho du khách đi theo các thuyền đua, tổ chức thêm gian hàng ẩm thực, chương trình âm nhạc đặc trưng của miền quê sông nước.

Lâm Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/854776/du-lich-le-hoi-chua-hut-khach-vi-sao