Du lịch cộng đồng: Thành lập mạng lưới để phát triển bền vững

Du lịch cộng đồng tại Việt Nam đã phát triển tự phát từ lâu. Dẫu vậy hiện nay các mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều địa phương đang rất manh mún, thiếu sự liên kết và nguồn lực để tạo ra các sản phẩm du lịch mới.

Du lịch Sa Pa.

Nhằm phát triển loại hình du lịch cộng đồng trong tương lai, một hội thảo nhằm tham vấn về thành lập mạng lưới du lịch cộng đồng tại Việt Nam – V-CBT Network vừa được Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức.

Dồi dào tiềm năng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch đang phát triển khá nhanh, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Với Việt Nam, du lịch cộng đồng đang phát triển nhanh với tiềm năng về tự nhiên và bản sắc văn hóa. Trong thời gian qua, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội các địa phương, tạo việc làm cho người dân, thu hút sự tham gia của người dân làm du lịch, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch, phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Vì vậy trong thời gian tới, xây dựng mạng lưới du lịch cộng đồng Việt Nam là một việc làm cần thiết để đẩy mạnh hơn nữa phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng.

Theo đại diện của ILO, du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch có trách nhiệm, tính kết nối giữa các điểm đến là vấn đề quan trọng. Vì vậy cần xây dựng một mạng lưới du lịch cộng đồng để hỗ trợ các làng du lịch cộng đồng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, kết nối mở rộng thị trường, vận động chính sách, thu hút thêm các nhà đầu tư, góp phần thu hút thêm nhiều khách du lịch.

Còn theo chuyên gia của Tổ chức Evergreen Labs, mạng lưới du lịch cộng đồng là nơi kết nối tất cả các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp đến du lịch cộng đồng thông qua nền tảng trung tâm hoặc một tổ chức nhằm phát triển du lịch cộng đồng một cách tổng thể cũng như cung cấp hỗ trợ cho từng nhóm, dự án riêng lẻ để đảm bảo tác động tích cực của du lịch cộng đồng và nuôi dưỡng hệ sinh thái du lịch cộng đồng hoạt động tốt.

Do đó, để mạng lưới du lịch cộng đồng Việt Nam vận hành tốt cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu ở cấp trung ương kết hợp với nền tảng mạng lưới kiến thức, nguồn lực, truyền thông và nền tảng e-marketing.

Ngoài ra, để đảm bảo một hệ sinh thái du lịch cộng đồng bền vững ở Việt Nam, cần thiết lập một hệ thống chứng chỉ du lịch cộng đồng Việt Nam, thực hiện các đợt khảo sát, tạo lợi ích cho các chương trình và đối tượng được chứng nhận, đồng thời tổ chức các hội nghị du lịch có trách nhiệm nhằm tạo ra các mối liên kết mới, tìm giải pháp cho các thách thức, nâng cao năng lực

Cần chuyên nghiệp hóa

Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội thảo và các làng du lịch cộng đồng tiêu biểu đều đánh giá cao ý tưởng thành lập mạng lưới du lịch cộng đồng tại Việt Nam và sẵn sàng tham gia mạng lưới.

Theo các đại biểu, các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương đang thiếu sự liên kết và nguồn lực để tạo ra các sản phẩm du lịch mới.

Vì vậy, việc xây dựng mạng lưới du lịch cộng đồng sẽ tạo ra nhiều lợi thế, thu hút các nhà đầu tư để nâng cấp những mô hình du lịch cộng đồng, tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng làng, bản.

Theo ông Nguyễn Bích (Công ty Mekong Rustic), việc xây dựng mạng lưới du lịch cộng đồng cần có sự khảo sát nhu cầu du khách ngay từ khi triển khai dự án, xây dựng thương hiệu và sản phẩm có đặc trưng vùng.

Ông cũng đề xuất xây dựng được một bộ tiêu chuẩn cho các CBT Việt Nam với các nội dung như: Vận hành homestay theo tiêu chuẩn; phục vụ ăn uống - vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh xung quanh nhà dân; kỹ năng phục vụ khách cho hướng dẫn viên địa phương; xây dựng, tổ chức các hoạt động và vận hành các tour du lịch; du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững…

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 lần này, nhiều đại biểu cho hay họ thấy mừng bởi dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã đề cập khá đầy đủ và toàn diện, cụ thể các qui định cho cả các nhà quản lý và trách nhiệm, quyền lợi của những người tham gia, hưởng thụ sản phẩm du lịch.

Về việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, ông Vũ Xuân Cường- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai chia sẻ: Homestay là loại hình du lịch đặc thù của một số địa phương trong đó có Lào Cai, hiện đang phát triển mạnh mẽ.

Trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) nội dung lưu trú đã được đề cập rất đầy đủ. Vì thế tại Sa Pa, có thể áp chiếu ngay với dịch vụ homestay là hình thức du lịch cộng đồng, thêm việc tổ chức nghỉ tại thôn bản. Các điểm tổ chức homestay đều phải được đăng kí với chính quyền để quản lý như một cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hay nhà nghỉ. Địa phương chỉ kiểm tra các điều kiện đón khách tối thiểu và công nhận đủ điều kiện.

Theo ông Cường, loại hình du lịch này xuất phát từ nhu cầu thực tế, người dân thấy nhu cầu có khách, khám phá, tham quan điểm sinh thái, cộng đồng, tìm hiểu văn hóa cộng đồng và phong tục tập quán… nhưng trước nay chưa có văn bản nào qui định riêng về homestay.

Đây là loại hình du lịch đặc sắc của Sa Pa và nhiều nơi khác, nó tạo điều kiện thu nhập cho đồng bào, nhất là vùng sâu vùng xa.

Vân Khánh

Từ khóa

Du lịch homestay sapa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/du-lich-cong-dong-thanh-lap-mang-luoi-de-phat-trien-ben-vung/134500