Du lịch còn chạy theo khai thác, thả nổi bảo tồn: Phải phát triển bền vững

Đó là ý kiến của bạn đọc sau khi đọc bài Du lịch còn chạy theo khai thác, thả nổi bảo tồn trên Thanh Niên số ra ngày 9.11.

Ảnh minh họa

Không nên là điểm đến giá rẻ

Hiện nay, khi các hãng hàng không giá rẻ ra đời sẽ kéo theo trào lưu du lịch giá rẻ. VN cũng đang là điểm đến giá rẻ của du khách quốc tế khi các tour 0 đồng từ các nước châu Á ngày càng nở rộ. Những hệ lụy của du lịch giá rẻ thời gian gần đây đã phần nào cho thấy sự lộn xộn, nguy hiểm của nó. Vì vậy, cần siết chặt hoạt động lữ hành. Không thể có tiền là kinh doanh lữ hành mà kèm theo đó là các điều kiện cụ thể, phải am hiểu du lịch, văn hóa…

Đào Võ Hoàng Phúc (P.3, Q.5, TP.HCM)

Phạt nặng các hành vi vi phạm

Còn nhiều vấn đề liên quan đến lữ hành chưa được xử lý được một cách rốt ráo, hiệu quả vì chưa có luật. Ví dụ người nước ngoài núp bóng người VN để hoạt động du lịch tại VN, hướng dẫn viên chui, hành vi đốt tiền VN, giới thiệu sai về lịch sử, di tích ở VN… Tất cả những vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác có thể phát sinh trong tương lai, cần được đưa vào luật. Những hành vi xâm hại đến văn hóa dân tộc VN của người nước ngoài tại VN phải xử lý nghiêm.

Phạm Văn Thìn (P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch

Nhiều du khách quốc tế không quay trở lại VN vì nỗi lo thực phẩm không an toàn, thái độ kiểu “cháo chửi, bún mắng”, giá cả chặt chém, hàng lưu niệm không có gì đặc biệt, ban đêm không biết chơi gì… Do đó, chính sách cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở lại lâu, xài nhiều tiền và còn quay lại nhiều lần nữa.

Nguyễn Thị Kim Uyên (Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Hướng dẫn viên phải là người việt

Khi qua Thái Lan du lịch, dù nhiều hướng dẫn viên người VN biết rõ về di tích, thắng cảnh đó, hoàn toàn có thể giới thiệu cho đoàn VN nhưng họ không dám, vì sẽ bị phạt rất nặng. Chính vì quy định này nên công ty du lịch VN phải kết hợp với công ty du lịch bên Thái để nhân viên, hướng dẫn viên của Thái thực hiện hướng dẫn, phục vụ đoàn. VN cũng cần quy định rõ điều này trong luật; chỉ có người VN mới được xem xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại VN, không cấp cho người nước ngoài. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt, trục xuất. Điều này chẳng những bảo đảm được những thông tin văn hóa, xã hội của VN đến được với du khách quốc tế một cách chính xác mà còn tạo việc làm cho công dân VN.

Phạm Thị Thúy (Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Một thực tế trong ngành du lịch VN là danh lam, thắng cảnh nào mới khai thác cũng rất đẹp, rất hấp dẫn. Tuy nhiên, sau một thời gian thì danh lam, thắng cảnh đó bị bàn tay con người tàn phá dần. Đó là hậu quả của việc khai thác tận cùng, mong thu được thật nhiều tiền mà không tính đến việc bảo tồn. Vấn đề này phải được đặt lên hàng đầu trong chính sách du lịch.

Nguyễn Thị Minh Trang (Q.4, TP.HCM)

VN có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh giá trị, có lợi thế rất lớn so với các quốc gia khác trong khu vực..., tuy nhiên lượng khách du lịch đến VN vẫn còn khiêm tốn. Luật, chính sách phải chú trọng đến phát triển du lịch mạnh mẽ nhưng bền vững, hạn chế tình trạng khai thác quá mức mà không chú trọng đến bảo tồn như hiện nay.

Hồ Minh Hải (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

T.T - Duy Khang (thực hiện)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/du-lich-con-chay-theo-khai-thac-tha-noi-bao-ton-phai-phat-trien-ben-vung-763694.html