Du lịch, biến động và bài học

Năm 2016 được xem là năm xảy ra biến động không nhỏ đối với thị trường du lịch tỉnh Khánh Hòa. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng các địa phương có hoạt động du lịch phát triển đều "đuối" về nhân lực. Đặc biệt, việc dự báo thị trường du lịch quốc tế đến Nha Trang, chiến lược xúc tiến du lịch về dài hạn khá thụ động, đòi hỏi của ngành du lịch tỉnh phải "thay đổi mình" trong các năm tới.

Cuối năm 2016, khách Nga sang du lịch trở lại TP Nha Trang, Khánh Hòa sau một thời gian im ắng.

Tăng trưởng mạnh nhưng còn nhiều "điểm liệt"

Những năm qua, tốc độ phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa cao hơn rất nhiều so với cả nước. Lượng khách đến Khánh Hòa từ năm 2010 - 2016 đạt trên 18 triệu lượt, trong đó trên 4,2 triệu lượt khách quốc tế. Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp, khách đến lưu trú chủ yếu là khách Nga và Trung Quốc, một số ít khách đến từ Úc và các nước khác ở Châu Âu. Doanh thu thuần về du lịch đạt gần 26.500 tỉ đồng.

Tuy vậy, đó chỉ là ấn tượng "mặt tiền". Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng các địa phương có hoạt động du lịch phát triển đều gặp khó về nhân lực. Theo báo cáo của các đơn vị, tình trạng thiếu lao động chuyên nghiệp và nghiệp vụ cao khá phổ biến. Hiện tại, tổng số nhân lực trực tiếp làm việc trong ngành du lịch tỉnh là 15.300 lao động, trong đó 13.000 lưu trú, 2.300 lữ hành, số lao động gián tiếp khoảng 30.600 lao động. Phần lớn lao động trong ngành du lịch làm việc trong các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng, còn lại là hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, vận chuyển khách du lịch.

So với nhu cầu thực tế của ngành du lịch thì nguồn nhân lực này chưa đáp ứng được. Lao động tron lĩnh vực du lịch vẫn còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, trước những diễn biến về thị trường quốc tế đã dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Hiện nay, phần lớn lao động trong ngành du lịch chưa qua trường lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Nhìn chung, nguồn nhân lực hiện tại vừa thiếu vừa yếu về số lượng lẫn chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong hoạt động du lịch. Các cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô lớn cơ bản đảm bảo nguồn lao động có trình độ chuyên môn, hoặc qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn.

Đến hiện tại, đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch ở cấp huyện và cơ sở trên địa bàn tỉnh đều đang kiêm nhiệm. Những người được phân công phụ trách vấn đề du lịch nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa được quan tâm đào tạo. Họ mới chỉ tập huấn ngắn ngày về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, nên hiệu quả tham mưu chưa cao, trong quá trình xử lý công việc gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch hầu như rất ít. Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển du lịch vẫn còn hạn chế như hạ tầng Cảng hàng không Cam Ranh, cảng biển...

Việc thành lập cảnh sát du lịch vẫn chưa thực hiện được. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được quảng bá rộng rãi với du khách khi đi tham quan và mua sắm.

Năm 2016, nổi lên vấn đề đáng chú ý trong thị trường du lịch Khánh Hòa là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế còn hạn chế, chưa đủ động trong việc xây dựng chiến lược xúc tiến tại các thị trường nước ngoài một cách bài bản, chưa chủ động trong việc khai thác các nguồn khách. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh tổ chức phục vụ khách du lịch nước ngoài đã vào Việt Nam theo hình thức hợp đồng ủy quyền của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở TP HCM và Hà Nội (ngoại trừ một số doanh nghiệp chủ động đưa khách Nga, Trung Quốc đến Khánh Hòa).

Năm 2016, lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang, Khánh Hòa khá lớn.

Giải pháp nào giữ gìn thương hiệu du lịch?

Năm 2016, tỉnh Khánh Hòa tỏ ra khá lúng túng với lượng du khách Trung Quốc tràn vào Nha Trang quá lớn. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam dẫn lại "bài học đắt giá" trong quá khứ: "Trước đây khách Nga đến Khánh Hòa quá tải, nhưng đùng cái họ không sang nữa. Còn bây giờ chúng ta lại loay hoay lo ổn định thị trường khách Trung Quốc. Giả sử ngày mai, khách Trung không sang nữa thì thử hỏi không khí của chúng ta như thế nào".

Ông Bình đề nghị cần phải có biện pháp dự báo ổn định các thị trường khách. "Nha Trang nổi tiếng với Châu Âu, vì sao Nha Trang không đi xúc tiến ở Châu Âu, hay "no nê" khách Trung Quốc rồi không cần ai nữa" - ông Bình đánh giá. Thực tế đã chỉ ra, trong năm 2016, thị trường khách Nga và Trung Quốc đến Khánh Hòa tăng mạnh. Ngược lại, các thị trường truyền thống khác (Mỹ, Anh, Đức, Pháp…) lại có chiều hướng giảm.

Bà Phan Thanh Trúc - Phó GĐ Sở Du lịch Khánh Hòa thừa nhận rằng: "Thị trường khách Trung Quốc đến Khánh Hòa trong năm 2016 có nhiều vấn đề. Chúng tôi có biết, có làm, có quyết liệt, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Chúng tôi thẳn thắn nhận ra điều đó". "Xốc" lại tình trạng này, Sở Du lịch đã tổ chức gặp mặt 2 nhóm doanh nghiệp lữ hành và lưu trú để ký cam kết thực hiện các quy định theo đúng pháp luật. Việc làm này, theo bà Trúc là muộn, nhưng muộn còn hơn không. "Lẽ ra, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã ngồi bàn cùng các doanh nghiệp và làm từ trước chứ không đợi đến bây giờ" - bà Trúc nói.

Trong khi việc xử lý thị trường khách Trung Quốc đi vào khuôn khổ chưa "ráo tay" thì những tháng cuối năm 2016, khách Nga lại đột ngột sang trở lại Nha Trang. Thế là, ngành du lịch tỉnh lại loay hoay ổn định biến động thị trường khách này. Nói như ông Huỳnh Khánh - TGĐ Công ty Orient Travel & Event Trading (Nha Trang), khả năng dự báo ngắn hạn và dài hạn về thị trường khách du lịch quốc tế đến Nha Trang của các đơn vị chức năng ở Khánh Hòa "có vấn đề".

Theo ông Lâm Duy Anh Cường - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, để có một nguồn lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đủ cho ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ, và đổi kịp với các nước trên thế giới, các cấp, các ngành cần trình Chính phủ chỉ đạo mở một trường Đại học Du lịch; hỗ trợ đào tạo đội ngủ giảng viên có kinh nghiệm chuyên sâu hơn; thu hút hợp tác và liên kết quốc tế tổ chức đào tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo riêng cho ngành du lịch, sinh viên đươc đào tạo chất lượng và chuyên sâu hơn…hình thành đội ngủ nhân lực tốt và bền vững.

Theo ông Trần Sơn Hải - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cuối năm 2016, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung phân loại thị trường khách Trung Quốc và chất lượng sản phẩm du lịch; tiếp tục xúc tiến du lịch ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; nghiên cứu giải pháp xúc tiến du lịch nhằm phục hồi khai thác ở các thị trường khách quốc tế truyền thống như Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc...

Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, về lâu dài, tỉnh này sẽ thực hiện việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, hoàn thành đề án xây dựng thương hiệu du lịch Khánh Hòa. "Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới; tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; đảm bảo công tác bảo vệ môi trường du lịch" - ông Vinh cho hay.

Nhiệt Băng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/du-lich-bien-dong-va-bai-hoc-634032.bld