Dự kiến quản lý máy móc, thiết bị công theo đặc thù chuyên môn

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị để xin ý kiến rộng rãi.

Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị y tế sẽ do Bộ Y tế ban hành. Ảnh: D.Ngân.

Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 58/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. Với Quyết định này, các máy móc, thiết bị văn phòng làm việc làm việc đã được trang bị theo tiêu chuẩn, định mức quy định, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng cơ bản các yêu cầu, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị.

Đây cũng là cơ sở pháp lý cần thiết để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực tại cơ quan, đơn vị nhà nước.

Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế đã nảy sinh như việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng còn lúng túng; việc trang bị máy móc, thiết bị cho 1 phòng làm việc chưa phân biệt quy mô, số lượng biên chế; quy định máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung chưa bao quát được toàn bộ các chủng loại,...

Để khắc phục, cũng như triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mới được Quốc hội phê duyệt, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị để xin ý kiến rộng rãi.

Về phạm vi, cơ bản nội dung quy định tại dự thảo được kế thừa quy định hiện hành, song, để rõ ràng và phù hợp với quy định của Luật mới, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quy định quản lý theo các nhóm tài sản, loại thiết bị đặc thù phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, ngành, lĩnh vực.

Cụ thể gồm: Máy móc, thiết bị dùng trong văn phòng có thiết kế giống như các máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến nhưng có dung lượng lớn hoặc cấu hình cao hơn; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động của ngành, lĩnh vực có cách trang bị, quản lý mang tính chất chuyên ngành và đặc thù hơn đối với các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng đơn thuần khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng khác.

Một số quy định các chức danh, tiêu chuẩn, định mức trang bị tài sản máy móc, thiết bị làm việc phổ biến tại cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương cũng được Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi.

Trong đó, một số chức danh không thường xuyên làm việc tại phòng làm việc ở cơ quan như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và tùy theo tính chất công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức để trang bị máy vi tính để bàn hoặc máy tính xách tay để phù hợp với điều kiện công tác.

Giải quyết vướng mắc trong tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị trang bị cho phòng làm việc của cán bộ, công chức, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định trang bị bổ sung định mức máy in và tủ đựng tài liệu theo quy mô, số lượng biên chế cho từng phòng làm việc. Theo đó, phòng làm việc từ dưới 10 người trở xuống thực hiện trang bị như định mức hiện hành quy định tại Quyết định số 58; trên 10 người đến dưới 20 người thì được trang bị bổ sung 1 máy in và 1 tủ đựng tài liệu; trên 20 người trở lên thì được trang bị bổ sung 2 máy in và 2 tủ đựng tài liệu.

Về tiêu chuẩn, định mức cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến chỉ ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng đủ điều kiện là tài sản cố định. Trường hợp một số bộ, ngành, đơn vị, tổ chức có loại máy móc, thiết bị chuyên dùng đặc biệt (chưa đủ điều kiện là tài sản cố định) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị đó quyết định theo thẩm quyền trong phạm vi quản lý.

Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động sự nghiệp (y tế, giáo dục) có phạm vi áp dụng nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục và quy định hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng thuộc phạm vi quản lý.

Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng khác, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định hoặc theo phân cấp thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.

Tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc theo phân cấp thẩm quyền quyết định việc mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tính chất công việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Việc mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện sau khi các bộ, ngành và địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức và phù hợp với chủng loại, số lượng.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/du-kien-quan-ly-may-moc-thiet-bi-cong-theo-dac-thu-chuyen-mon.aspx