Dự kiến, năm 2017 vẫn giữ nguyên mức đóng bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, từ năm 2017, dự kiến mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng người lao động có hợp đồng lao động thời hạn đủ từ 3 tháng trở lên.

Ngày 5/12, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xin ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo đó, từ năm 2017, dự kiến mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng người lao động có hợp đồng lao động thời hạn đủ từ 3 tháng trở lên, người quản lý kinh doanh, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cán bộ công chức, viên chức...

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Dự thảo cũng quy định, người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh.

Người lao động trong thời gian đi lao động tại nước ngoài không phải đóng BHYT; trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia BHYT thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến khi tham gia BHYT được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.

Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia BHYT theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT.

Trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó mà không phải đóng BHYT.

Ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có 80% dân số tham gia BHYT, trên 2.000 cơ sở khám chữa bệnh các tuyến và khoảng 10.000 cơ sở y tế tuyến xã đã khám chữa bệnh cho khoảng 130 triệu lượt người có thẻ BHYT mỗi năm, chất lượng dịch vụ được cải thiện rõ nét, đáp ứng sự hài lòng người bệnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù đạt được những kết quả rất quan trọng song trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT cũng xuất hiện những hạn chế, bất cập.

4 điểm mới trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế

Tại hội nghị, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, từ năm 2018, sẽ có nhiều điểm mới trong thực hiện Luật BHYT. Thứ nhất, BHXH sẽ đưa mức hỗ trợ cho người cận nghèo bằng mức hỗ trợ người nghèo, Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100%, thay vì 70% như hiện nay. Cùng với đó, toàn bộ đối tượng là cán bộ xã, phường hưởng chế độ không chuyên trách ở xã, phường sẽ được đưa vào nhóm đối tượng tham gia BHYT. Nhóm đối tượng nữa là người bị HIV/AIDS phải bắt buộc tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Điểm mới thứ hai là mở rộng quyền lợi cho trẻ em dưới 6 tuổi được Quỹ BHYT chi trả một số sản phẩm dinh dưỡng nhưng mang tính chất đặc thù theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Điểm mới thứ ba là thay đổi phân bổ quỹ theo định hướng để trạm y tế xã đủ kinh phí để hoạt động với tư cách là nơi quản lý sức khỏe cho người dân theo địa bàn, và định hướng thời gian tới ở Việt Nam mỗi người dân đều có bác sĩ riêng. Điểm mới thứ tư là thay đổi phương thức thanh toán, xóa bỏ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến huyện.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-kien-nam-2017-van-giu-nguyen-muc-dong-bao-hiem-y-te-274667.html