'Đừng du học vì cái danh hay sự phù phiếm'

- Đó là chia sẻ của các du học sinh với những học sinh phổ thông đang tìm hiểu du học trong một hội thảo vừa diễn ra sáng nay, 30/7

Sáng 30/7, hàng trăm học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) đã có mặt tại hội trường Sunwah để lắng nghe những chia sẻ vô cùng hữu ích của người đi trước – những bạn trẻ đã nộp đơn thành công vào các trường đại học các nước: Hà Lan, Nhật Bản, Canada, Anh, Mỹ.

Hội thảo thu hút hàng trăm học sinh THPT Chuyên ngữ tham dự. Ảnh: Nguyễn Thảo

CNN Conference 2016 là hội thảo được tổ chức thường niên bởi Global CNNers – tổ chức du học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nhằm tạo cầu nối giữa các thế hệ học sinh CNN ở khắp nơi trên thế giới, cùng chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm nộp hồ sơ, xin học bổng, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống ở quốc gia du học.

Chia sẻ tại hội thảo, Hoàng Hữu Phong – nam sinh giành học bổng dự bị đại học Nhật Bản 150 ngàn yên/ tháng chia sẻ, tình yêu với nước Nhật và dự định du học Nhật Bản của cậu đã nhen nhóm từ rất lâu khi thấy “đây đúng là xã hội mà mình mong muốn được học tập và sinh sống”.

Phong bắt đầu học tiếng Nhật từ khi bước vào lớp 10 và chỉ trong vòng 1 năm, cậu đã đạt trình độ N2 – một cấp độ đáng ngưỡng mộ trong thời gian ngắn. Với học bổng dự bị đại học, sau khi kết thúc chương trình phổ thông, Phong sẽ phải thi vào đại học Nhật giống như học sinh bản xứ - một thách thức không hề dễ dàng.

Ngô Hương Ly và Hoàng Hữu Phong – 2 khách mời của phònghội thảo du học sinh Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trong khi đó, Ngô Hương Ly – tân sinh viên ĐH Tsukuba niên khóa 2020 lại chọn một lộ trình khác. Nếu như Hữu Phong nộp hồ sơ xin học bổng bằng tiếng Nhật thì Hương Ly chọn lợi thế tiếng Anh là “vũ khí” cạnh tranh.

Tuy nhiên, cô bạn cựu sinh viên ĐH Ngoại thương cho rằng, dù có nộp đơn bằng ngôn ngữ nào thì trong quá trình học tập ở đất nước này cũng nên học tiếng Nhật để tăng khả năng cạnh tranh.

Các ngành như kỹ thuật, sinh học, công nghệ có nhiều học bổng lớn vì Nhật phát triển những ngành này nhất. Tuy nhiên, đây là những ngành khó học, đặc biệt với con gái” – Ly chia sẻ.

Cả hai khách mời ở nhóm Nhật Bản đều đồng ý rằng nên tỉnh táo khi chọn ngành, không nên chọn ngành mình không thích chỉ vì học bổng tốt.

Về việc chuẩn bị hồ sơ du học Nhật, Hương Ly cho biết các trường Nhật không quá quan trọng hoạt động ngoại khóa như các trường Anh, Mỹ, bài luận cũng đơn giản hơn rất nhiều. Còn theo Hữu Phong, trong vòng phỏng vấn, ứng viên nên chú ý hơn một chút tới thái độ và tác phong vì người Nhật vốn dĩ rất coi trọng lễ nghĩa.

“Không quá quan trọng hoạt động ngoại khóa không có nghĩa là không cần có bất cứ hoạt động gì. Bởi vì những hoạt động này là thứ định nghĩa mình là người như thế nào. Bạn không nhất thiết phải là lãnh đạo các dự án này kia, bạn có thể tham gia những hoạt động hướng nội theo đúng tính cách của mình, phù hợp với định hướng nghề nghiệp, con người mình và vẫn được đánh giá cao” – Ly chia sẻ.

Một điều cần chú ý với các ứng viên muốn du học Nhật là không nên rải hồ sơ quá nhiều, chỉ nên cô đọng ở 2-3 trường mình thích nhất, vì các trường Nhật thu phí hồ sơ khá cao.

“Thường thì 2-2,5 triệu mỗi trường, như trường của mình lên tới tận 4 triệu, và các trường Nhật đều yêu cầu nộp hồ sơ qua đường bưu điện, chứ không nhận qua email”.

Nguyễn Trần Hoàng Anh – sinh viên năm nhất HANUniversity of Applied Sciences (Hà Lan) chia sẻ những câu chuyện trải nghiệm ở đất nước châu Âu này. Ảnh: Nguyễn Thảo

Khác với không khí sôi động, ồn ã của nhóm du học Mỹ, những câu chuyện của nhóm Hà Lan được chia sẻ một cách trầm lắng và riêng tư hơn.

Đã có kinh nghiệm một năm học tập tại Hà Lan, Nguyễn Trần Hoàng Anh tiết lộ một số thông tin khá thú vị về con người, đất nước châu Âu này.

“Dân Hà Lan rất chăm chỉ. Có thể có những bạn trẻ lười học nhưng làm thì rất chăm vì không làm thì không có tiền. Đến tuổi 18 là các bạn bị "đá" khỏi nhà luôn. Bố mẹ chỉ trả tiền học thôi, còn lại bạn phải tự vay Chính phủ tiền ăn ở, thuê nhà. Nếu bạn đi làm thêm kiếm tiền thì số nợ này sẽ đỡ hơn”.

Làm thêm ở Hà Lan lương không cao và bạn cần phải có giấy phép lao động. Có một điều rất hay ho ở các nước châu Âu, là bạn sống ở Hà Lan nhưng có thể đạp xe sang Bỉ, Đan Mạch chơi một lúc rồi quay về nhờ hiệp ước về đi lại tự do của một số nước. Thế nên, cũng có nhiều du học sinh Hà Lan sang Bỉ, Đức đi làm để có lương cao hơn” – Hoàng Anh chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về tính cách của người Hà Lan, nam sinh HANUniversity of Applied Sciences nói vui rằng người Hà Lan rất “to mồm, coi trọng sự trung thực, trung thành nhưng cũng là những người rất cứng đầu”.

Tham gia nhóm Canada là hai cô gái xinh xắn nhưng, không kém phần cá tính.

Cả Đào Thị Hương Giang – tân sinh viên University of Toronto và Nguyễn Hoàng Thùy Dương – tân sinh viên Ryerson University đều chung quan điểm: Hãy xác định bạn muốn đi du học vì cái gì.

Thùy Dương chia sẻ, dù mình thích đi du học nhưng đó không phải là vấn đề sống chết. Nếu bố mẹ không đủ khả năng tài chính, nếu mình không được trường nhận thì học trong nước vẫn tốt. Đi du học không phải vì cái danh hay vì những thứ phù phiếm.

Đừng du học vì cái danh

"Nếu bố mẹ không đủ khả năng tài chính, nếu mình không được trường nhận thì học trong nước vẫn tốt. Đi du học không phải vì cái danh hay vì những thứ phù phiếm" - Thùy Dương

Hương Giang và Thùy Dương đều có một điểm chung là từng học phổ thông ở Canada trước khi bước chân vào ngưỡng cửa các trường đại học ở nước này.

Giang kể, em từng mất 2 năm để thuyết phục bố mẹ cho đi du học. Khi đặt chân tới đất nước mơ ước, mỗi buổi sáng thức dậy em đều chìm trong cảm giác ngất ngây, sung sướng vì đã đạt được ước mơ của mình.

“Nhưng cảm xúc đó chỉ kéo dài 2 tuần, vì mình không biết tiếp theo mình sẽ làm gì ở đây”.

Giang thừa nhận, đó chính là sự thiếu định hướng, sự thiếu chuẩn bị ngay từ đầu của mình và khuyên các em đi sau đừng bao giờ để điều đó xảy ra.

Trong khi đó, Thùy Dương muốn gửi thông điệp tới các bậc phụ huynh: Đừng bao bọc thái quá khi các em đã 16, 17 tuổi rồi.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/318510/du-hoc-sinh-o-dau-con-cung-song-duoc-tru-o-gan-bo-me.html