Dự án Thủy điện Suối Mu (Lạc Sơn, Hòa Bình): 'Vắng bóng' báo cáo ĐTM

Bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2016, nhưng đến giữa tháng 8/2016, Dự án Thủy điện Suối Mu mới được Sở TN&MT Hòa Bình phê duyệt Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Dự án Dự án Thủy điện Suối Mu được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 10/11/2015. Dự án có công suất lắp máy 9 MW do Công ty TNHH Văn Hồng làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Dự án với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2017, Dự án sẽ hoàn thành đưa nhà máy vào vận hành hòa lưới điện.

Tuy vậy, đến đầu tháng 7/2017, dự án mới thực hiện được khoảng gần 50% khối lượng công trình, chậm so với tiến độ được phê duyệt. Nghiêm trọng hơn, đơn vị không thực hiện việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo đúng quy định của pháp luật bảo vệ môi trường mà chỉ thực hiện việc làm Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 28, Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước yêu cầu: Các dự án khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép tài nguyên nước của Bộ TN&MT.

Mặt khác, tại Phụ lục III, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của Chính phủ cũng quy định, Dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép của Bộ TN&MT, thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM thuộc Bộ này. Vậy, rõ ràng, để công trình được cấp phép xây dựng, đơn vị phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo ĐTM của Thủy điện Suối Mu là Bộ TN&MT.

Nhà máy Thủy điện Suối Mu đang được thi công. Ảnh: MH

Không hiểu sao Sở TN&MT không tư vấn cho đơn vị làm đúng pháp luật mà tại Văn bản số 284/XN-STNMT ngày 15/8/2016 của Sở TN&MT Hòa Bình lại ký chấp thuận Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty TNHH Văn Hồng, thay vì phải lập báo cáo ĐTM theo quy định của Chính phủ?

Không những thế, Dự án Thủy điện Suối Mu còn gây ra nhiều nỗi lo. Bởi theo thiết kế kỹ thuật, Dự án Thủy điện Suối Mu sẽ xây đập chắn tích nước ngay trên đỉnh Thác Mu, làm mất đất vĩnh viễn khu vực đặt nhà máy khoảng 1,7 ha. Việc này có thể sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến du lịch và nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới chân thác. Trong khi xã Tự Do có gần 600 hộ với 2.581 nhân khẩu, hơn 300 ha đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên hơn 5.000 ha.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, để triển khai xây dựng, Công ty đã tiến hành đền bù đất ruộng, nương, ao cho 79 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc xóm Mu và xóm Khướng. Song, trong quá trình đền bù đã xảy ra một số mâu thuẫn như đền bù không thỏa đáng.

Mới đây, ngày 2/6/2017 nhân dân xóm Mu đã họp bàn và có một số kiến nghị gửi lên chính quyền xã; chủ đầu tư thủy điện. Trong đó, có 6 hộ gia đình chưa được nhận đền bù đầy đủ diện tích đất thu hồi phục vụ dự án và 2 hộ gia đình còn vướng mắc đề nghị xem xét lại.

Các hộ dân yêu cầu và đề xuất UBND xã Tự Do và Công ty TNHH Văn Hồng xem xét, đền bù phần diện tích thu hồi; khi thi công phải đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái xung quanh, không làm sạt lở các phần diện tích đất liền kề của họ. Đồng thời, phải đảm bảo có kênh dẫn nước xuống đồng Giai, đồng Mu, đường đi xuống Thác Mu phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp; đảm bảo nước cho Thác Mu để phục vụ du lịch… Tuy vậy, đến đầu tháng 7/2017, người dân ở đây, chưa nhận được phản hồi của chủ đầu tư cũng như chính quyền xã bằng văn bản.

Trong khi đó, Thác Mu không chỉ tạo cảnh quan, mang lại nguồn nước tưới tiêu phát triển nông nghiệp, mà còn mở ra du lịch giúp bà con cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, du lịch mới bắt đầu, du khách mới biết đến, thủy điện lại mọc lên, khiến dân vô cùng lo lắng.

Ngoài ra, Dự án Thủy điện Suối Mu thi công đúng như thiết kế kỹ thuật của chủ đầu tư, khi đi vào vận hành, thủy điện này sẽ tác động tiêu cực đến dòng chảy của thác, ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ nông nghiệp, nguy cơ gây sạt lở rất cao, thậm chí, sẽ làm mất thác vĩnh viễn.

Suối Mu là một nhánh của Suối Sặt, một phụ lưu của Sông Bưởi, thượng nguồn của những dòng suối này bắt nguồn từ các dãy núi cao khoảng 600 m. Lưu vực Suối Mu mở rộng ở thượng lưu và thu nhỏ ở hạ lưu, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi cao khoảng 300 – 600 m.

Tuyết Nhi

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen-va-cuoc-song/201707/du-an-thuy-dien-suoi-mu-lac-son-hoa-binh-vang-bong-bao-cao-dtm-2826896/