Dự án thép Cà Ná: Ninh Thuận trả lời chưa thống nhất?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ủng hộ dự án thép 10 tỷ USD, một lãnh đạo khác lại nói chưa có chủ trương gì.

Tin trên tờ VOV cho biết, ngày 13/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam có công văn hỏa tốc đăng ký làm việc với Bộ KH&ĐT vào ngày 15/9 về dự án cảng biển quốc tế Cà Ná.

Theo đăng ký, đoàn sẽ do ông Nam là trưởng đoàn và có lãnh đạo các sở KH&ĐT, GTVT cùng tham gia. Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có báo cáo tóm tắt các nội dung liên quan đến khu liên hợp luyện cán thép do Tập đoàn Hoa Sen là chủ đầu tư. Dự án có tổng nguồn vốn lên tới 10,6 tỷ USD.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Hoa Sen

Nội dung công văn nêu rõ UBND tỉnh Ninh Thuận ủng hộ với chủ trương đầu tư của dự án.

“Ủng hộ chủ trương đầu tư dự án tổ hợp các dự án đầu tư khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná, dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná và dự án cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen”, UBND tỉnh Ninh Thuận nêu.

Đáng chú ý, chỉ cách nay ít ngày, cả Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận và Chánh Văn phòng UBND tỉnh này đều khẳng định "Ninh thuận chưa có gì".

Cụ thể, ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, đây chỉ mới là đề xuất từ phía tập đoàn Hoa Sen.

Ông Đồng khẳng định, địa phương này chưa hề có chủ trương cấp phép dự án Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Long Biên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án trên mới chỉ dừng lại ở chủ trương, mọi việc còn phải chờ sự chấp thuận của Chính phủ.

Cho tới ngày hôm qua (13/9), cùng với thời điểm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát đi công văn hỏa tốc gửi Bộ KHĐT, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Long Biên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn khẳng định "về dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận chưa có gì".

Ông Biên còn nói, phía địa phương chưa hề có đề xuất gì với Bộ KHĐT cũng như Chính phủ.

Vội vàng đưa vào quy hoạch?

Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná - Ninh Thuận nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận không chỉ vì là dự án lớn, số vốn nhiều (10,6 tỷ USD). Dự án còn làm dấy lên mối lo ngại về tính hiệu quả kinh tế, nguy cơ ô nhiễm môi trường... và đặc biệt là câu chuyện được đưa vao quy hoạch một cách chóng vánh.

Thực tế, dự án được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch chỉ 2 ngày trước khi chính thức được công bố tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận (ngày 27/8).

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), cho rằng dự án thép Hoa Sen - Cà Ná được “thừa kế” từ dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm, đồng thời khẳng định “Hoa Sen không làm, thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch”.

Trong khi đó, tại Quyết định 694/QĐ-BCT (ngày 31/1/2013) của Bộ Công thương “Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, có xét đến năm 2025”, thay thế cho quy hoạch năm 2007 dự án thép Cà Ná không hề có tên.

Lý giải cho hiện tượng trên, nhiều chuyên gia nói thẳng đó là kiểu quy hoạch "quy hoạch kiểu điền vào chỗ trống" hay "quy hoạch ngẫu hứng".

Dự án thép 10 tỷ USD Cà Ná: Ninh Thuận trấn an

Trả lời trên một tờ báo mạng, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng: “Ngay cả nếu có được đưa vào diện quy hoạch sẵn từ trước đi chăng nữa thì cũng phải cân nhắc rất cẩn thận chứ không phải sống chết gì cũng làm, tìm DN để “điền vào chỗ trống” như cách làm của Bộ Công thương được. Quan điểm của tôi là ngay cả có trong quy hoạch và quy hoạch đó trước đây có được làm bài bản thì bây giờ cũng phải cân nhắc lại, đặc biệt là sau khi sự cố môi trường do Formosa gây ra. Không phải cứ có quy hoạch là phải làm. Quy hoạch chỉ là định hướng thôi”.

"Liệu sau khi tính giá thành lọc nước vào sản xuất, thép của Hoa Sen - Cà Ná làm sao cạnh tranh được với thép giá rẻ của Trung Quốc?", TS Thiên đặt vấn đề.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim VN (VFMSTA), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN nói thẳng: "Tập đoàn Hoa Sen vốn chỉ sản xuất tôn mạ, nay chuyển sang luyện kim là lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm. Chúng ta phải có Hội đồng đánh giá, phân tích lợi ích, tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm, tài chính của DN chứ không phải chấp nhận bừa bãi. Điều này cũng chẳng khác gì giúp “nối dài” danh sách trào lưu “làm thép” theo cảm tính và mong muốn chủ quan của các địa phương".

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/du-an-thep-ca-na-ninh-thuan-tra-loi-chua-thong-nhat-3318699/