Dự án “rùa” gia tăng trở lại

(TBKTSG Online) - Hàng ngàn dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách chậm tiến độ, làm gia tăng chi phí, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Quốc Hùng

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè TPHCM - một trong những dự án sử dụng vốn ngân sách của nhà nước -Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Báo cáo tổng hợp về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2011 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) công bố cho thấy tình trạng các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước chậm tiến độ khá phổ biến. Điều đáng lưu ý là tình hình các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước này đang có dấu hiệu gia tăng.

Tổng hợp số liệu của các cơ quan có báo cáo gửi đến Bộ KH&ĐT cho thấy trong năm 2011 có 4.436 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ (38.420 dự án). Tỷ lệ này theo thống kê của Bộ KH&ĐT là cao hơn khá nhiều so với kết quả của năm 2010 (9,78%), nhưng thấp hơn mức 16,9% của năm 2009; 16,6% của năm 2008 và 14,8% của năm 2007. Điều này cho thấy dấu hiệu dự án “rùa” sử dụng nguồn vốn ngân sách đang gia tăng trở lại.

Phân tích số liệu báo cáo của các cơ quan có báo cáo thì có đến 5.447 dự án thực hiện đầu tư trong năm 2011 phải điều chỉnh, trong đó điều chỉnh tiến độ đầu tư lên đến 1.775 dự án, trong khi năm 2010 chỉ có 1.325 dự án phải điều chỉnh tiến độ. Báo cáo tổng hợp của bộ này cũng cho thấy, tỷ lệ dự án đầu tư trong kỳ phải điều chỉnh vốn đầu tư khá cao (3.568 dự án, chiếm 9,29% dự án đầu tư trong kỳ).

Theo Bộ KH&ĐT, việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Các nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ các dự án không mới, trong đó chủ yếu vẫn do công tác giải phóng mặt bằng (1.818 dự án, chiếm 4,73% tổng số dự án thực hiện trong năm). Những lý do kế tiếp như do bố trí vốn không kịp thời (với 983 dự án), do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (597 dự án), do thủ tục đầu tư…

Cũng theo số liệu báo cáo của các cơ quan, trong năm 2011 vẫn có tới 14.145 dự án được khởi công mới. Dù số dự án khởi công mới này chiếm tỷ lệ thấp hơn so với năm 2010, nhưng giới phân tích cho rằng vẫn còn cao vì chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP trong đó có biện pháp cắt giảm đầu tư công, tạm dừng khởi công dự án mới.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy mặc dù số dự án khởi công mới trong năm 2011 đã giảm so với năm trước đó, nhưng một số địa phương lại có số dự án khởi công mới khá cao, như TPHCM có đến 1.165 dự án, Quảng Ninh 691 dự án, Quảng Nam 418, Phú Thọ 569 dự án, Khánh Hòa 628 dự án….

Bộ KH&ĐT ghi nhận được sự tiến bộ trong việc chấp hành chế độ báo cáo của các bộ, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cụ thể là số lượng báo cáo từ các đơn vị này tăng lên so với những năm trước đó. Tuy nhiên, một số cơ quan, bộ phận tổng hợp vẫn chưa hiểu đúng và chưa nắm bắt được vấn đề nên tình trạng sai sót, số liệu báo cáo thiếu tính hợp lý vẫn còn tồn tại.

Đáng lo ngại là tình hình thực hiện chế độ báo cáo tại các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty 91 hiện nay. Chất lượng báo cáo của các chủ đầu tư gửi đến các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu cụ thể.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ KH&ĐT, chủ yếu là do công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan và các chủ đầu tư chưa được quán triệt đầy đủ, nhiều chủ đầu tư chưa cập nhật hết các nội dung báo cáo theo quy định. Ngoài ra, việc tăng thẩm quyền quyết định cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình, cũng làm cho việc thực hiện báo cáo của các chủ đầu tư chưa kịp thời và nghiêm túc.

Theo Bộ KH&ĐT, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm “hạn chế việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư chung của cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công tác giám sát, đánh giá đầu tư”.

Tổng hợp số liệu báo cáo của 110/124 cơ quan có báo cáo, trong năm 2011, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 438.938 tỉ đồng, đạt 91,88% kế hoạch vốn đầu tư năm 2011.

Theo báo cáo của các cơ quan trong năm 2011 có 145 dự án có thất thoát, lãng phí được phát hiện, chiếm 0,38% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và 1.034 dự án phải ngừng thực hiện, chiếm 2,69% tổng số dự án đang thực hiện trong kỳ.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/dautu/75075/