Dự án Metro chậm tiến độ, tiểu thương điêu đứng

Dự án Metro xây dựng tuyến đường hầm xe lửa Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9) đang chậm tiến độ do thiếu vốn. Hệ lụy kéo theo đó là nhiều tiểu thương buôn bán gần công trường thi công đang điêu đứng vì công việc kinh doanh ngưng trệ, ế ẩm triền miên.

Thiếu vốn, dự án Metro ngưng trệ.

Nhìn bên ngoài việc thi công diễn ra bình thường, nhưng thực tế rất chậm trễ.

Dự án ngưng trệ

Tình hình thi công dự án Metro xây dựng đường hầm xe lửa Bến Thành - Suối Tiên những ngày cuối tháng 6 vẫn đang tiếp tục với một số máy chuyên dụng, máy xúc, cần cẩu… làm công việc đào đất tại công trường.

Theo quan sát, công trường Metro đang thi công thuộc quận 1 kéo dài từ đầu đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ cho đến Công viên 23/9 nằm trên đường Phạm Ngũ Lão. Toàn bộ khu vực đã được rào bằng tôn tấm, phong tỏa công trường thi công. Không rầm rộ và ồn ào như trước, hiện số lượng công nhân tham gia làm việc rất thưa thớt, máy móc phục vụ cũng chỉ vài chiếc phát nổ, tiến độ dự án đang chững lại.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công từ năm 2012. Thế nhưng tại các khu vực quận 1, nơi tuyến metro đi qua, vẫn đang ngổn ngang với nhiều hạng mục chưa được hoàn thành.

Chị Lê Thị Quyệt, ngụ quận 1, cho biết: “Vào cuối tháng 4/2017, nhà thầu tiến hành rào chắn khu vực chợ Bến Thành, đến tháng 5/2017, tiến hành rào chắn đường Lê Lợi. Hiện nay, tuyến metro đã được nhân công đào đến Công viên 23/9 thuộc đường Phạm Ngũ Lão. Nhìn thì việc thi công diễn ra cả ngày lẫn đêm, nhưng tiến độ lại vô cùng chậm chạp”.

Theo tìm hiểu, vốn cho tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên gồm 2 phần: Vốn vay của Nhật Bản và vốn đối ứng của thành phố. Tháng 9/2016, Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp, bởi đã thanh toán vượt vốn ODA của năm. Do đó, trong trường hợp cấp bách, TP.HCM đã ứng khoảng 900 tỷ đồng để chủ đầu tư trả tiền nhà thầu thanh toán cho công nhân. Năm 2017, sẽ cần hơn 5.400 tỷ đồng để phục vụ tuyến metro số 1, nhưng vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ đồng (chỉ đủ trả nợ cho nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố). Do đó, dự án ngưng trệ vì thiếu vốn trả cho nhà đầu tư.

Công trường Metro trở nên buồn tẻ, vắng lặng.

Tiểu thương lo lắng

Trong khi UBND TP.HCM đang tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, thì không khí lo lắng đang bao trùm lên cuộc sống của hàng trăm hộ dân buôn bán sống gần các công trường thi công.

Bà Lê Thị Hằng, ngụ quận 1, cho biết, trước đây cửa hàng tạp hóa của gia đình ở ngay mặt tiền đường Lê Lợi, việc buôn bán rất thuận tiện. Từ khi dự án Metro đi qua, gia đình cũng rất mừng về sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhưng việc rào chắn để thi công công trình đã bịt chặt mặt tiền của cửa hàng, chỉ lộ ra một lối đi nhỏ, khiến việc buôn bán vô cùng ế ẩm. “Lối đi bị bít lại trở thành con hẻm nhỏ nên người mua ngần ngại không muốn vào vì bất tiện. Cả ngày chỉ có vài khách quen đến mua. Trước đây buôn bán đến 22h đêm mới đóng cửa, giờ thì trời mới tối đã đóng cửa hàng rồi” - bà Hằng lo âu.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lành có cửa hàng buôn bán trên đường Lê Lợi, cũng đang “ngồi trên đống lửa”. “Thuê mặt bằng tốn gần 100 triệu đồng/tháng, mà thu nhập thì sụt giảm nên tôi tính trả lại mặt bằng để đi nơi khác. Sau khi thương lượng, chủ cho thuê nhà đồng ý giảm giá nên quyết định ở lại, cố bán để giữ mối. Tại khu vực này, các chủ cho thuê cũng đồng loạt giảm giá để bớt chi phí thuê nhà cho tiểu thương” - chị Lành nói.

Người dân sống trong khu vực cũng thông tin: Đã có hàng chục hộ dân trả lại mặt bằng đi nơi khác buôn bán. Đồng thời, các hộ sống tại các chung cư trên đường Lê Lợi cũng không chịu nổi tiếng ồn, mùi xăng dầu cũng đã dọn đi thuê nơi khác …

Kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ODA

Mới đây, UBND TP.HCM đã có kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hơn 20.930 tỷ đồng để thành phố hoàn thành tiến độ dự án đúng thời gian quy định.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Tuyến dài gần 20 km đi qua các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, Thủ Đức, quận 9 (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện, đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành, đoạn ngầm cần được gấp rút thi công để kịp đưa vào sử dụng toàn tuyến theo kế hoạch vào năm 2020.

Hoàng Bắc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/du-an-metro-cham-tien-do-tieu-thuong-dieu-dung-d59543.html