Dự án Luật Quy hoạch: 'Chặn' tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch

Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quy hoạch sáng qua (21/11), tán thành với việc dự thảo Luật đã quy định rõ những hành vi bị cấm trong quá trình quy hoạch nhưng một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa hài lòng khi Dự thảo Luật chưa nêu cách thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm các điều cấm.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam).

Quy hoạch phải “dài hơi”

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu tình trạng quy hoạch tràn lan, chồng chéo là vấn đề mà nhân dân, cử tri rất bức xúc trong thời gian qua, gây những khó khăn cho công tác điều hành của các ngành, các cấp trong quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc ban hành luật này sẽ tạo ra sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và sẽ tháo gỡ phần lớn các khó khăn đã nêu trên.

Đi vào các nội dung cụ thể của Dự án Luật, ĐB Bé cho rằng cần có chương quy định về quản lý nhà nước về quy hoạch, bởi quy hoạch là công cụ quan trọng giúp các cơ quan chức năng quản lý nhà nước. Trong khi đó, theo quy định của Dự thảo Luật, các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch còn tản mạn, đồng thời cũng chưa quy định đủ và rõ ràng nhiệm vụ các ngành, các cấp trong vấn đề quy hoạch.

Còn ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị quy định thời kỳ quy hoạch dài hơn so với dự thảo. Cụ thể thời kỳ quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn là 30 năm; quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn 50 năm; quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 đến 70 năm. “Quy hoạch có dài hơn như vậy mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế và trong đầu tư phát triển không bị động, không sợ thay đổi. Quy định dài như vậy cũng tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo đánh giá dài hạn, đồng thời phải có sự đầu tư công phu cho công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá” – ĐB Tiến phân tích.

Tạo cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm

Nhất trí với những quy định và hành vi bị cấm trong Dự thảo, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) vẫn thấy quy định như vậy vẫn chưa đủ nên đề nghị Luật Quy hoạch cần tập trung vào việc ngăn cấm các hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch của nhiệm kỳ trước. Phải khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý như tinh thần của kỳ họp này đã xác định.

Góp ý thêm về quy định các điều cấm trong hoạt động quy hoạch được nêu trong Dự án Luật, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) bày tỏ: “Hiện nay chúng ta có nhiều luật, nhiều quy hoạch, tuy nhiên khi thực hiện thì nửa vời. Do đó, để thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch thì ngoài điều cấm này, chúng ta phải quy định nếu vi phạm thì phải xử lý như thế nào cho rõ ràng để tất cả các tổ chức, cá nhân không dám vi phạm điều cấm”.

Quy định rõ việc nổ súng

Cũng trong ngày hôm qua, QH đã thảo luận Dự thảo Luật Cảnh vệ với mối quan tâm về vấn đề nổ súng của cảnh vệ. Các ĐB cho rằng việc nổ súng trong trường hợp khẩn thiết là hành vi cần thiết. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng cần làm rõ lực lượng cảnh vệ được phép nổ súng trong trường hợp nào, phạm vi nào để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Cho rằng, Dự thảo Luật chưa quy định có hai trường hợp trên mà chỉ quy định chung chung chưa đồng bộ thống nhất, nếu áp dụng thực tế sẽ có những điều đáng tiếc xảy ra, ĐB Dương Văn Thông (Bắc Giang) đề nghị, Dự thảo cần phân biệt theo hướng đối tượng cảnh vệ được quyền nổ súng để bảo vệ yếu nhân, bảo vệ sự kiện quan trọng, nổ súng trong trường hợp khẩn cấp… đồng thời bổ sung quy định cụ thể về những trường hợp tấn công trực tiếp nào thì được sử dụng vũ khí.

Phạm Diệu – Hà Dung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/du-an-luat-quy-hoach-chan-tinh-trang-tuy-tien-dieu-chinh-quy-hoach-306396.html