Dự án Luật biểu tình đã đến giai đoạn nào?

"Dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, do phức tạp nên đã bị lùi, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói về tiến độ của dự án Luật biểu tình.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (Ảnh: VPQH)

Chiều 22.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh dự kiến như sau: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4 thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật. Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự kiến sẽ gồm 24 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong thời gian qua, để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, Ban Bí thư đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng.

Tại Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII giao Ban cán sự Đảng Chính phủ thực hiện “rà soát các quy định xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính nhà nước”, Nghị quyết số 344/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 2, sau khi xem xét, cho ý kiến về dự án Luật về Hội, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại dự án Luật này để báo cáo Quốc hội. Cũng tại kỳ họp thứ 2, trong Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình năm 2016 và Chương trình năm 2017, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về Đầu tư, kinh doanh, Luật Biểu tình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình...

Tuy nhiên, các nội dung nói trên lại chưa được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình năm 2017.

Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, do phức tạp nên đã bị lùi, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.

Vẫn theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng, theo chỉ đạo Ban Bí thư hiện Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu tổng kết và thời gian dự kiến tổng kết là năm 2017. Về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng dự kiến sẽ nâng lên thành luật. Việc có nâng lên thành luật hay không Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH nghiên cứu báo cáo, nếu thấy được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2019.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đối với Luật về Hội và Luật biểu tình, Chính phủ xin lùi lại để tiếp tục chuẩn bị cho kỹ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với Chính phủ và sẽ báo cáo với Quốc hội.

"Về sửa đổi Luật cán bộ, công chức cũng như xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ có nghiên cứu tổng kết xem đưa vào nội dung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức hay xây dựng thành văn bản riêng. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu và Chính phủ sẽ có đề xuất sau" - Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/du-an-luat-bieu-tinh-da-den-giai-doan-nao-764006.html